Thái Lan được coi là một trong những nước ASEAN tích cực nhất trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ lĩnh vực điện tử. Ngay từ những năm 2000, Ủy ban Đầu tư của Thái Lan đã thành lập Cơ quan Phát triển liên kết Công nghiệp để khuyến khích các liên doanh giữa các công ty địa phương với các công ty nước ngoài trong công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, một chương trình phát triển nhà cung ứng quốc gia - NSDP cũng đã được Bộ Thương mai nước này xây dựng và triển khai.
Hiện nay, Cục công nghiệp hỗ trợ Thái Lan đã phân loại một cách cụ thể tất cả các ngành công nghiệp hỗ trợ thành 19 lĩnh vực khác nhau gồm 3 cấp: máy móc thiết bị, linh kiện và dịch vụ. Ngoài ra, Thái Lan cũng coi trọng việc áp dụng chính sách "quy tắc xuất xứ địa phương" để khuyến khích và bắt buộc các nhà lắp ráp phải quan tâm và tăng cường sử dụng các đầu vào lắp ráp được sản xuất tại địa phương.
Dù xếp sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ ở Malaysia vẫn được đánh giá cao nhờ những chính sách ưu tiên phát triển từ rất sớm. Một trong những chính sách quan trọng nhất phải kể đến là Chương trình Phát triển nhà cung cấp được triển khai từ đầu những năm 1990. Đây là một chương trình marketing công nghiệp có mục tiêu phát triển hệ thống các DN vừa và nhỏ của Malaysia có khả năng sản xuất và cung ứng linh kiện, máy móc, công cụ và dịch vụ công nghiệp liên quan cho các DN lớn nội địa hoặc nước ngoài.
Ngoài ra, chính phủ Malaysia cũng triển khai Chương trình Trao đổi thầu phụ nhằm điều phối cung cầu hợp lý trong ngành phụ trợ. Theo đó, chương trình sẽ cung cấp thông tin về các cơ hội hợp đồng thầu phụ và xác định sự tương thích của các DN vừa và nhỏ trong ngành phụ trợ để phù hợp với các yêu cầu về linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị từ các đối tác FDI.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!