Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, 84% các nhà đầu tư toàn cầu đang hướng dòng vốn tới khoản đầu tư xanh, phát triển bền vững. Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể thu hút đến 23.000 tỷ USD cho các dự án đầu tư về khí hậu. Làm thế nào để có thể nắm bắt những cơ hội đầu tư "tỷ đô" và có được nguồn vốn cho phát triển bền vững? Phóng viên VTVMoney đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phóng viên: Thưa ông, 84% các nhà đầu tư trên thế giới đang quan tâm tới xanh, một con số khá ấn tượng. Theo ông, Việt Nam có lợi thế gì để thu hút dòng vốn xanh?
Ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia: Tôi nghĩ Việt Nam có một nền kinh tế năng động, được hưởng lợi từ những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Quan trọng hơn hết, phần lớn các khoản đầu tư đó đang tìm kiếm các dự án năng lượng xanh. Vì vậy tôi nghĩ, nếu Việt Nam có thể điều chỉnh các chính sách, quy định và tạo động lực để các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp đều hành động hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì Việt Nam đang đi đúng hướng.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tính trên toàn cầu, các cơ hội kinh doanh mới liên quan đến biến đổi khí hậu có giá trị lên tới khoảng 23.000 tỷ USD và sẽ tạo ra hơn 200 triệu việc làm chỉ riêng ở các thị trường mới nổi. Tôi nghĩ Việt Nam đang ở vị thế rất tốt để tận dụng những cơ hội đó.
Phóng viên: Tuy nhiên, nguồn vốn cho phát triển xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vậy có những giải pháp gì để Việt Nam thu hút nguồn vốn xanh, thưa ông?
Ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia: Chúng tôi cũng đang nỗ lực cùng các đối tác quốc tế khác hỗ trợ các cơ quan quản lý của Việt Nam xây dựng danh mục phân loại xanh, thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực môi trường, xã hội, quản trị.
Nói về thế nào là xanh thì dễ, nhưng để thực sự xác định được một dự án cụ thể xanh như thế nào thì không đơn giản. Vì vậy, bằng cách áp dụng thông lệ toàn cầu, chúng tôi có thể giúp cơ quan soạn thảo xác định cách thức phù hợp với Việt Nam về tiêu chí xác định một dự án là xanh và không xanh. Đây cũng là một nền tảng quan trọng, chẳng hạn như đối với việc phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng.
Theo nguyên tắc trái phiếu xanh, chủ thể phát hành cần phải xác định rất rõ ràng những dự án xanh dùng tiền huy động từ phát hành trái phiếu xanh để tránh trường hợp gắn mác xanh nhưng thực tế lại không xanh.
Phóng viên: Vậy nếu so với một số nền kinh tế tương tự Việt Nam, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để phát triển thị trường vốn xanh cho Việt Nam trong những năm tới?
Ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia: Tôi nghĩ rằng một trong những cơ hội quan trọng đối với Việt Nam là phát triển các sản phẩm tài chính mới như trái phiếu bền vững, trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu xanh.
Nếu tính trên phạm vi toàn ASEAN, chỉ mới năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu xanh đã phát hành lên tới 36 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa có khoản phát hành nào hoặc rất ít trong số đó là ở Việt Nam.
Mới đây, chúng tôi đã đăng ký mua trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên tại Việt Nam do một đơn vị phát triển bất động sản phát hành, đó là tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường tài chính xanh trong nước.
Nếu các ngân hàng có thể tiếp tục phát hành trái phiếu xanh trong thời gian tới, sẽ giúp chuyển một phần tổng tiết kiệm thành vốn đầu tư cho các dự án giúp Việt Nam thích ứng và tận dụng những cơ hội mới mà biến đổi khí hậu mang lại.
Phóng viên: Cảm ơn ông vì những chia sẻ vừa rồi!
Gỡ vướng mắc để thúc đẩy tín dụng xanh VTV.vn - Tín dụng xanh - khoản tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh với mục đích bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái đang là lĩnh vực có bước tiến nhiều nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!