Kinh tế 9 tháng đầu năm: Vượt khó thành công!

Ban Thời sự (Ảnh: Dân trí)-Chủ nhật, ngày 04/10/2020 10:26 GMT+7

VTV.vn - Tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh bị dịch COVID-19 tác động nặng nề.

Tuần qua, có một con số từ Tổng cục Thống kê được nhiều tờ báo quan tâm đó là 2,12% - mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với những mục tiêu mà Quốc hội đã giao, thậm chí mức tăng trưởng này còn thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, về con số này có 2 góc nhìn: Thứ nhất, nhiều người lo lắng trước mức tăng trưởng này khi những thành tựu về kinh tế - xã hội năm 2019 là rất rực rỡ. Thứ hai, nhiều ý kiến lại không thấy buồn khi đọc con số này, thậm chí còn có phần lạc quan. Bởi vì đây là điều đã được Chính phủ dự báo từ đầu năm nay khi dịch COVID-19 để lại những hậu quả khủng khiếp trên quy mô toàn thế giới. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng Việt Nam không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là tương đối tích cực vì Việt Nam là nền kinh tế duy nhất tại ASEAN tăng trưởng dương. Báo Thanh niên cho biết, tại Diễn đàn thường niên cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 diễn ra ngày 29/9, các chuyên gia tại hội nghị đều cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới kết qur trên "một thành công lớn" của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Thời báo Ngân hàng cho biết, trong 21 ngành kinh tế cấp 1 có đến 6 ngành tăng trưởng âm. Ngành du lịch giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận định rằng tuy mức tăng trưởng 2,12% là thấp nhưng đây là thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế. Với đà này mức tăng trưởng cả năm trên 2% là nằm trong tầm tay.

Kinh tế 9 tháng đầu năm: Vượt khó thành công! - Ảnh 1.

Trong khi các ngành khác ngưng trệ, xuất khẩu vẫn là những nét bút sáng trong bức tranh của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Trong vài tháng trở lại đây, trong khi rất nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn thì ngành nông nghiệp, với hoạt động xuất khẩu nông sản lại đang rất khả quan.

Tờ Người lao động đã có bài viết đáng chú ý "Nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế". Tờ báo này dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, diễn ra tại Đắk Lắk đó là trong tình tình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển mạnh, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. 

Trong khi các ngành khác ngưng trệ, thậm chí tăng trưởng âm thì xuất khẩu vẫn là những nét bút sáng trong bức tranh của nền kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 4,61 triệu tấn, trị giá hơn 2,25 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng và tăng 12,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tờ Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang 5 thị trường chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU đạt trên 7 tỷ USD, chiếm gần 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điều chỉnh "thước đo" tăng trưởng của Việt Nam

Dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu khả quan. Đây là những thông tin tích cực được đưa ra tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào cuối tuần. 

Tuy nhiên, trên các tờ báo cũng đã phản ánh các khuyến nghị từ nhiều chuyên gia nhằm góp phần đưa nền kinh tế phục hồi nhanh hơn nữa, đặc biệt cần chú ý tới các doanh nghiệp trong nước.

Báo Thanh niên cho rằng, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến cho các dòng vốn đầu tư do kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, dù nói nhiều đến dọn tổ đón "đại bàng", đến cơ hội đứng vào chuỗi giá trị của thế giới nhưng nếu không dưỡng sức cho doanh nghiệp nội, không chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực ai sẽ làm đối trọng, đối tác cho "đại bàng", lực lượng lao động nào sẽ đáp ứng nhu cầu của "đại bàng"...? Do đó, hãy "bốc thuốc" hỗ trợ liều cao giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.

Kinh tế 9 tháng đầu năm: Vượt khó thành công! - Ảnh 2.

Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tạo ra các mặt hàng có giá trị thuần Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Một chuyên gia cho rằng, xuất siêu của Việt Nam vẫn tăng nhưng tỷ trọng hàng xuất khẩu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI, còn của doanh nghiệp trong nước mới chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tạo ra các mặt hàng có giá trị thuần Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Nhìn từ Hội nghị Thủ tướng với nông dân, Hội nghị Thủ tướng về cây mắc ca, có thể thấy nông nghiệp đã hoàn toàn lấy lại khí thế; cùng lúc là 3 dự án cao tốc đồng loạt khởi công và Diễn đàn "Việt Nam - hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh".

Tờ Thời báo Tài chính bày tỏ tin tưởng trong bối cảnh u ám với những tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam đã phát triển tốt không chỉ trước đại dịch mà còn kiên cường trước những cơn gió ngược đó. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt "chống dịch như chống giặc", vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để không một ai bị bỏ lại phía sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước