Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 10/2023 đã giảm xuống 2,9%, mức thấp nhất được ghi nhận từ tháng 7/2021, tiến sát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Kết quả này có được nhờ 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Trung ương châu Âu kể từ tháng 7/2022, cùng đà sụt giảm giá nhiên liệu trong thời gian gần đây.
Lãi suất cho vay của Ngân hàng Trung ương châu Âu được duy trì ở mức cao những tháng qua đã giúp lạm phát tại các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm từ 4,3% của tháng 9 xuống 2,9% trong tháng 10, thấp hơn mức dự báo trên 3%.
Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất cao lại khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone dường như biến mất, khi sản lượng kinh tế sụt giảm sau nhiều tháng trì trệ.
Khách hàng mua sắm hàng hóa bên trong một cửa hàng tạp hóa ở Paris, Pháp. (Ảnh: Bloomberg)
Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, chứng kiến sản lượng tăng trưởng giảm 0,1%. Trong khi nền kinh tế số 2 là Pháp chỉ tăng trưởng 0,1%, chậm lại so với mức 0,6% trong quý trước. Còn Italy chững lại ở mức 0%.
Lãi suất ở khu vực Eurozone được duy trì ở mức cao đã làm tăng chi phí tín dụng cho các khoản vay mua nhà, mở rộng văn phòng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của cả doanh nghiệp và người dân bị co lại.
Thêm vào đó, nhu cầu với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu của người dân chưa phục hồi, do giá cả nhiều mặt hàng vẫn bị neo ở mức cao từ các đợt lạm phát kéo dài nhiều tháng trước.
Theo giới phân tích tài chính châu Âu, trong những tháng tới, động lực kinh tế khu vực đồng Euro còn yếu và chỉ phục hồi khi tiền lương bắt kịp lạm phát. Mục tiêu đưa lạm phát về 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa chắc chắn vì lạm phát lõi, không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm, vẫn ở mức 4,2%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!