Nước Mỹ khả năng sẽ bước vào một giai đoạn baby boom mới (bùng nổ trẻ sơ sinh). Đây là một trong những tín hiệu khả quan trong nhiều thông tin không mấy lạc quan về kinh tế như: đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, hay bán lẻ chậm lại…
CNBC ngày 9/11 có bài: "Doanh số bán que thử thai tại Mỹ đã tăng mạnh". Cụ thể, doanh số bán que thử đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng lúc, trong 1.000 người được hỏi, 11,3% cho biết họ có kế hoạch hoặc đang cố gắng sinh con trong 1 năm tới. Kế hoạch này cũng trùng với việc từ tháng 6, tỷ lệ sinh tại Mỹ đã tăng trở lại. Trước đó, nhiều cặp đôi đã ngại sinh con do nghĩ dịch bệnh sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống.
Trang tin của Texas trích thống kê cho thấy, số người trẻ (trong độ tuổi sinh đẻ) ở Mỹ đã vượt số người sinh ra sau Thế chiến thứ hai trong kết cấu dân số. Nhóm này gồm khoảng 72 triệu người, có tuổi từ 25 - 40. Vì vậy, nhiều hãng bán lẻ hy vọng, người trẻ kết hôn, sinh con, mua nhà… sẽ đóng góp vào công việc kinh doanh của họ. Bởi đây là đối tượng khách hàng lớn nhất của thị trường bán lẻ. Khi đó, cổ phiếu của các công ty như vậy cũng được lợi theo.
Trong thời kỳ dịch bệnh, số người có tuổi thiệt mạng hay rút khỏi thị trường lao động đã tăng cao. Chính sách nhập cư siết chặt cũng khiến lao động trẻ của Mỹ giảm dần. Vì vậy, tín hiệu về tỷ lệ sinh tăng cũng tạo nên nhiều hy vọng về dài hạn.
Tỷ lệ sinh tăng sẽ giúp bù đắp phần nào thiếu hụt lao động về dài hạn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Còn trong ngắn hạn, có con cũng có thể là động lực để nhiều lao động trẻ phải quay lại thị trường sớm hơn.
Thời báo Los Angeles cho biết, trái với người trên 55 tuổi, lượng lao động tuổi từ 25 - 54 đã quay lại thị trường nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bù đắp thiếu hụt lao động lớn tuổi.
Các công ty vốn đang khó kiếm đủ lao động do lực lượng từ 55 tuổi trở lên đã xin nghỉ hưu đông. Nhiều người cần chất lượng cuộc sống hơn kiếm thêm tiền. Thêm vào đó, lương hưu cũng tăng, lại không mất thêm tiền đi lại, ăn trưa…
Nhật báo phố Wall cho rằng tỷ lệ sinh tăng sẽ giúp bù đắp phần nào thiếu hụt lao động về dài hạn, do chính sách hạn chế nhập cư từ thời Tổng thống Trump. Trong suốt thập kỷ trước, người nhập cư đóng góp từ 1/3 tới một nửa vào tăng trưởng dân số Mỹ.
Vì vậy, các ngành được hưởng lợi với dân số trẻ hơn sẽ gồm bán lẻ và dịch vụ. Chỉ y tế, cơ khí và công nghệ thông tin sẽ vất vả hơn khi lao động có trình độ cao rời thị trường.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ u ám VTV.vn - Số liệu Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy tăng trưởng GDP quý III/2021 của Mỹ đã bất ngờ sụt giảm mạnh xuống còn chưa bằng 1/3 so với quý trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!