Theo dự báo Ngân hàng Trung ương Nga, GDP của Nga sẽ suy giảm 7% trong quý 3 và mức lạm phát sẽ là 14,6%. Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ có một cuộc suy thoái kéo dài đến giữa năm 2023, dù không sâu như ước tính trước đó.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng cảnh báo về cái bẫy "kỳ vọng thích ứng" do ảnh hưởng kéo dài của các cú sốc mà nền kinh tế đã trải qua. Đây là trạng thái người sản xuất mong đợi nhu cầu tăng lên để tăng sản lượng hàng hóa và người tiêu dùng mong đợi giảm giá, tăng chủng loại sản phẩm để mua hàng. Kết quả là do kỳ vọng của những người tham gia thị trường, việc chuyển dịch cơ cấu sẽ chậm lại.
Người dân chụp ảnh tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga. (Ảnh: Xinhua)
Trước đó, theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, vào tháng 6/2022, GDP của Nga giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 4% trong 6 tháng. Sự sụt giảm của chỉ số này được ghi nhận trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các báo cáo của phương Tây công bố hôm qua (2/8) cũng cho rằng các lệnh trừng phạt đang tác động mạnh đến kinh tế Nga.
Có thể thấy Nga đang giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD trên toàn thế giới. Số tiền này giúp Moscow chống đỡ trước các lệnh trừng phạt.
Chính phủ Nga cũng đã công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, với các ưu đãi thuế mới, các khoản trợ cấp vốn. Đồng thời Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các biện pháp bổ sung để hỗ trợ lĩnh vực tài chính.
Dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung, gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất.
Trong những tháng tới đây, nền kinh tế Nga phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng trừng phạt với hoạt động kinh tế được sự báo là sụt giảm hơn 10% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!