Điều này được thúc đẩy bởi sự cải thiện trong tiêu dùng tư nhân và chi tiêu vốn, khi những tác động tiêu cực của vụ bê bối dữ liệu an toàn trong lĩnh vực ô tô đã giảm bớt nhưng lạm phát vẫn dai dẳng do đồng tiền yen suy yếu.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng hằng năm đã điều chỉnh theo lạm phát đạt 3,1%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tăng 0,8% so với âm 0,6% của quý trước - đánh dấu mức tăng đầu tiên trong hai quý và có sự phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm. Lần đầu tiên, GDP Nhật Bản vượt qua mức 600 nghìn tỷ yen (4 nghìn tỷ USD).
Các số liệu GDP mạnh hơn dự kiến được coi là một kết quả tích cực của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền do Thủ tướng Fumio Kishida lãnh đạo, vốn dành nhiều nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại lạm phát cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó, ông Kishida đã công bố quyết định không tái tranh cử và kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 9.
Việc giảm bớt các tác động của vụ bê bối ô tô đã góp phần làm tăng nhu cầu trong nước, bao gồm tiêu dùng tư nhân và đầu tư vốn, cũng như tăng xuất khẩu. Tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản, đã tăng 1,0% sau 4 quý suy giảm, một sự phục hồi tương đương với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2008. Chi tiêu vốn cũng tăng 0,9%, mức tăng đầu tiên trong 2 quý, khi các công ty Nhật Bản đầu tư vào tự động hóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, giá cả hàng hóa hàng ngày tăng cao đã gây áp lực nặng nề lên người tiêu dùng, đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu trong nước có thể duy trì vững chắc hay không.
Ảnh minh họa - Nguồn: Nikkei Asian Review
Chính quyền Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh đến nhu cầu tăng lương nhằm hỗ trợ các hộ gia đình. Tiền lương thực tế đã tăng lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 6 - một diễn biến tích cực cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chính phủ còn quyết định cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú vào tháng 6 nhằm mục đích giảm lạm phát. Các chuyên gia kinh tế cũng đang theo dõi chặt chẽ về tính bền vững của đà tăng trưởng này.
Tăng trưởng tiền lương mạnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay, với quyết định được đưa ra hồi tháng 7. Theo dữ liệu của Văn phòng Nội các, xuất khẩu tăng 1,4% nhờ vào các lô hàng ô tô đến Mỹ.
Bất chấp những tăng trưởng tích cực, Nhật Bản đã mất vị thế là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức trong năm tài chính 2023, một phần là do đồng yen suy yếu và sức cạnh tranh toàn cầu giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!