Không phải Ấn Độ thiếu tài năng về công nghệ, nhưng nhiều tài năng lại đang chọn mảnh đất khác để cống hiến. (Ảnh: Arabianbusiness)
Từng mang niềm kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghệ và tri thức của châu Á, nhưng đến nay, Ấn Độ lại tỏ ra "hụt hơi" trong trong cuộc đua đổi mới, sáng tạo so với nhiều quốc gia láng giếng.
Nói đến Ấn Độ, nhiều người đã từng nghe về Bangalore, nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon của châu Á. Tuy nhiên từ lúc đó tới nay, nơi được ví như thung lũng Silicon ấy vẫn hầu như không trình làng một thương hiệu toàn cầu nào về công nghệ, ví dụ như Sony, Samsung hay mới đây là Hoa Vĩ của Trung Quốc. Không phải Ấn Độ thiếu tài năng về công nghệ, nhưng nhiều tài năng lại đang chọn mảnh đất khác để cống hiến.
Mới đây, Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) còn tự tin tuyên bố, họ sẽ xây dựng nên một thung lũng Silicon mới của châu Á, bằng chính các chuyên gia công nghệ của Ấn Độ.
Theo trang mạng Arabian Business, so với Ấn Độ, mảnh đất vùng Vịnh giàu dầu mỏ rõ ràng có sức hút từ những khoản đầu tư mạnh mẽ. Dubai lại khá gần Ấn Độ, nhiều tri thức Ấn Độ muốn được lập nghiệp, công hiến mà chẳng phải e ngại gì cảm giác xa quê hương, hay nỗi nhớ gia đình.
Trong những thập kỷ 1970, 80 hay 90, Ấn Độ cũng đã phải đối mặt với một cuộc “chảy máu chất xám”. Nhiều tài năng lần lượt bỏ xứ, đi tìm những miền đất hứa tại Mỹ hay châu Âu.
Đầu những năm 2000, nền kinh tế Ấn Độ khởi sắc trở lại, nhiều nhân tài trở về, nhưng quá trình này được cho sẽ không kéo dài lâu.
Trong những thập kỷ 1970, 80 hay 90, Ấn Độ cũng đã phải đối mặt với một cuộc “chảy máu chất xám”. (Ảnh minh họa: Reuters)
Nhiều dự báo cho rằng Ấn Độ đang phải đối mặt với một cuộc chảy máu chất xám 2.0, khi nền kinh tế lại suy giảm, đặc biệt trước tác động của đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, cuộc “chảy máu chất xám” này được cho sẽ còn sâu sắc hơn. Bởi với sự phát triển của công nghệ, khả năng làm việc từ xa, nhiều nhân tài của Ấn Độ đang được các tập đoàn nước ngoài chiêu mộ, cống hiến cho họ, thậm chí không cần phải ra khỏi Ấn Độ.
Trong lúc đó, theo trang mạng Open PR, các doanh nghiệp nội địa của nước này lại đang bị thiếu hụt khoảng 50% nhu cầu về nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho mục tiêu phát triển của mình.
Gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã vạch ra một chiến lược phát triển kinh tế lớn có tên Aatma Nirbhar Bharat. Đây là một cụm từ tiếng Hindi, có thể hiểu nôm na là chiến lược xây dựng một nền kinh tế tự lực cánh sinh. Nó hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Ấn Độ trở thành một nền kinh tế đạt giá trị 5.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều tờ báo đang đặt câu hỏi, Ấn Độ sẽ có thể tự lực cánh sinh bằng cách nào?
Báo India Today cho rằng, để một quốc gia tự lực cánh sinh, nó phải được dựng lên từ một nguồn lực quan trọng nhất là con người, chỉ có đảm bảo được một nguồn nhân lực với đầy đủ tri thức và kỹ năng phù hợp mới thể hướng tới tăng trưởng, phát triển kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!