Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 2 năm

Thùy An-Thứ sáu, ngày 15/07/2022 10:38 GMT+7

VTV.vn - GDP của kinh tế Trung Quốc trong quý II đạt mức tăng 0,4%, đây là mức tăng thấp nhất trong 2 năm qua.

CNBC đánh giá, mức tăng trưởng GDP 0,4% trong quý II là kém so với kỳ vọng khi nền kinh tế hàng đầu thế giới đang phải vật lộn để hạn chế ảnh hưởng do đại dịch gây ra. Trước đó, cuộc thăm dò của hãng thông tấn Reuters dự báo GDP của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 1% trong quý II.

Trong quý I, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 4,8%. Năm 2022, nền kinh tế số 2 thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 2 năm - Ảnh 1.

GDP của kinh tế Trung Quốc trong quý II đạt mức 0,4%

Theo số liệu thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 6 của Trung Quốc cũng không đạt kỳ vọng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Con số dự báo là 4,1%. 

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã tăng 3,1%, phục hồi từ đợt sụt giảm trước đó. Để kích cầu, các công ty thương mại điện tử lớn của nước này đã tổ chức lễ hội mua sắm với rất nhiều khuyến mại vào giữa tháng trước.

Con số thống kê cho thấy, người dân Trung Quốc trong tháng 6 tăng chi tiêu ở nhiều ngành hàng như ô tô, mỹ phẩm và thuốc. Trong khi đó, chi tiêu ở các ngành như dịch vụ ăn uống, nội thất và vật liệu xây dựng lại sụt giảm.

Trong cơ cấu doanh số bán lẻ tháng 6, doanh thu từ bán hàng trực tuyến đã tăng 8,3% so với một năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn chậm hơn so với mức tăng 14% của tháng trước đó.

Đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm đạt trên mức kỳ vọng, tăng 6,1% so với 6% dự đoán. 

Trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất duy trì tốc độ tăng trưởng hoặc tốt hơn từ tháng 5 đến tháng 6, thì lĩnh vực bất động sản, tình hình khá ảm đạm. Đầu tư vào bất động sản trong nửa đầu năm đã giảm 5,4% so với một năm trước, con số này tệ hơn mức giảm 4% trong 5 tháng đầu năm.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 2 năm - Ảnh 2.

Thành phố đông dân nhất nước Thượng Hải đã phải trải qua đợt phong tỏa 2 tháng

Tỷ lệ thất nghiệp trên 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm từ mức cao trước đại dịch xuống 5,8% vào tháng 6. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 đã tăng thêm lên 19,3%.

Theo cơ quan Thống kê Trung Quốc, những con số mới công bố của kinh tế Trung Quốc là những "thành tựu đạt được khi nền kinh tế vượt khó" đồng thời cũng cảnh báo về những tác động kéo dài của COVID-19 và "nhu cầu đang thu hẹp lại" của thị trường trong nước.

Cơ quan này cũng lưu ý đến "nguy cơ lạm phạt và suy thoái của nền kinh tế thế giới", cũng như chính sách tiền tệ thắt chặt đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Trong quý 2, Trung Quốc đại lục phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ thời điểm đỉnh điểm của đại dịch vào đầu năm 2020. Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều địa phương trong đó có thành phố đông dân nhất nước là Thượng Hải khoảng hai tháng cùng nhiều biện pháp hạn chế đi lại đã khiến chuỗi cung bị gián đoạn.

Cuối tháng 6, Trung Quốc đã điều chỉnh đối với các biện pháp phòng chống COVID-19 nhằm giúp việc nhập cảnh vào nước này dễ dàng hơn.

Theo đó, thời gian cách ly tập trung của khách nhập cảnh vào Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 7 ngày và thêm 2 ngày theo dõi tại nhà thay vì 14 ngày cách ly tập trung và 7 ngày theo dõi tại nhà như trước đây.

Đây là những điều chỉnh mới nhất được Trung Quốc đưa ra kể từ khi nước này đóng cửa biên giới hồi tháng 3/2020 để ngăn dịch COVID-19.

Đến đầu tháng 6, Thượng Hải, Bắc Kinh và nhiều địa phương khác đã bắt đầu nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. 

Trong vài tuần gần đây, chính quyền trung ương đã cắt giảm thời gian cách ly và nới lỏng một số biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh của những biến thể mới, một số khu vực đã phải khôi phục lại các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới tăng đột biến.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 2 năm - Ảnh 4.

Các lệnh phong tỏa do COVID-19 đã tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Vào hôm thứ Hai, Nomura cho biết các khu vực chiếm 25,5% GDP của Trung Quốc đang trong tình trạng hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Con số này tăng từ 14,9% một tuần trước đó.

Các ngân hàng đầu tư lớn đã nhiều lần cắt giảm mục tiêu GDP cả năm của Trung Quốc do tác động của đại dịch COVID. Cuộc khảo sát của hãng tin CNBC dự báo mức tăng GDP trung bình là 3,4% vào cuối tháng Sáu.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của Reuters dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào khoảng 4% cho năm 2022.

Nền kinh tế có thể chạm đáy trong quý II và đang trên đà phục hồi chậm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng

Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management

"Nền kinh tế có thể chạm đáy trong quý II và đang trên đà phục hồi chậm" - Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết. "Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng, vì nỗi lo về sự bùng phát của đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp". 

Trước đó, vào thứ 4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cam kết giữa thanh khoản dồi dào, hợp lý, đồng thời giảm chi phí cấp vốn. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, dư địa để PBOC nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ có thể bị hạn chế. Lý do là những lo lắng về dòng vốn sẽ chảy ra ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mạnh tay tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Năm cho biết Trung Quốc cần bổ sung thêm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để chống lại suy thoái trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động của đại dịch, đồng thời cũng cần có những chính sách nới lỏng hạn chế đi lại hơn. 

Người mua nhà Trung Quốc từ chối trả nợ ngân hàng Người mua nhà Trung Quốc từ chối trả nợ ngân hàng

VTV.vn - Nhiều người mua nhà tại nhà Trung Quốc đã từ chối thanh toán khoản vay thế chấp ngân hàng do các công ty bất động sản không bàn giao nhà đúng hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước