Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho phục hồi

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/10/2021 20:57 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng chi phí rẻ hơn và nguồn cung các loại hàng thiết yếu vẫn ổn định sẽ góp phần giữ lạm phát dưới 4% và nợ công dưới 60%.

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường. Mức tăng trưởng của 9 tháng là 1,42% trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế đã cho thấy kết quả của nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, đặc biệt là việc chuyển trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn.

Có thể thấy, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, xuất khẩu vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng, nợ công và nợ nước ngoài đều dưới ngưỡng cho phép. Mặt khác, việc mở cửa dần trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh là các yếu tố quan trọng để tăng trưởng thời gian tới.

Hoạt động mua bán thực phẩm tại các chợ truyền thống ở Hà Nội đã nhộn nhịp trở lại ngay từ những ngày đầu sau giãn cách xã hội. Giá cả và nguồn cung được duy trì khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ.

Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho phục hồi - Ảnh 1.

Dù giãn cách xã hội kéo dài, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Mặc dù giãn cách xã hội kéo dài, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

"Mặc dù chúng ta hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng vẫn duy trì mức cung tiền tệ phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất tích cực sử dụng quỹ bình ổn để kiềm chế giá xăng dầu, không tăng giá điện, giá học phí. Đó là những yếu tố khiến thời gian qua CPI tăng chưa đến 2% trong 9 tháng qua", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho biết.

Dù khó khăn, nhưng nhưng Chính phủ vẫn thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thu thuế, phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ này tuy làm giảm thu ngân sách nhưng thu ngân sách nhà nước 9 tháng qua vẫn ước đạt 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

"Thành công này tác động rất tốt đến việc chúng ta có nguồn để chi cho các nhu cầu cấp bách hiện nay như chống dịch, chi hỗ trợ an sinh. Đó cũng là cơ sở để cân đối thu chi, không làm bội chi tăng lên và để giữ tỷ lệ nợ công dự kiến năm nay chỉ ở mức 43 - 45%", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.

"Điều đó cho thấy có dư địa để đưa ra các gói kích cầu kích thích nền kinh tế đảm bảo cho doanh nghiệp vươn lên. Đây cũng là vấn đề Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính cần có chính sách tài khóa để phục hồi kinh tế trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Sắp tới, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng chi phí rẻ hơn và nguồn cung các loại hàng thiết yếu vẫn ổn định sẽ góp phần kìm giữ lạm phát dưới 4% và nợ công dưới 60% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Kinh tế vĩ mô ổn định - nền tảng cho phục hồi

Một điểm sáng khác của nền kinh tế là tín dụng vẫn tăng khá. Điều này chứng tỏ nhu cầu về vốn và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn được duy trì, dòng tiền cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh vẫn tăng.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô... Những yếu tố này sẽ góp phần tích cực cho hồi phục kinh tế từ nay tới cuối năm.

Kinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho phục hồi - Ảnh 2.

Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện mức tăng trưởng hiện tại vì đang đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tính đến đầu tháng 10, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, năm ngoái con số này chỉ là 5,4%. Dòng tiền cũng tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất.

"Có những điểm sáng trong tăng trưởng tín dụng. Có 4/5 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao và đây là tín hiệu tốt, như nông nghiệp nông thôn tăng 8,54%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,05%, xuất khẩu tăng 7%...", ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

Mức tăng tín dụng không chỉ phản ánh sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế, mà còn cho thấy nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dù dịch bệnh, nhưng vẫn được duy trì, thậm chí nhích tăng. Không chỉ vậy, nhiều điểm tích sáng tích cực của nền kinh tế vẫn được duy trì, tạo ra dư địa và không gian cho sự phục hồi và phát triển.

"Lạm soát kiểm soát tốt, dưới 4%/năm trong một thời gian dài. Nhờ vậy chúng ta đã góp phần ổn định tỷ giá, cân đối cán cân thương mại, nên xuất siêu liên tục, tạo ra thặng dư làm nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhận định.

"Chúng ta nên tiếp tục nhất quán và kiên định trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Vì đó chính là sự cần thiết và nền tảng để có thể kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế", Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho hay.

"Hiện Đồng Việt Nam đang ổn định. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Dòng FDI đang phục hồi. Quan trọng bây giờ là tháo gỡ khó khăn kết nối và mở cửa trở lại bình thường", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nói.

Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định không chỉ là điểm sáng của nền kinh tế mà đây còn là cơ sở, nền tảng cho kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.

Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam vẫn có cơ hội cải thiện mức tăng trưởng hiện tại vì đang đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch. Thêm vào đó, chiến lược vaccine với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng đang triển khai hiệu quả và ngày càng bao phủ rộng.

Đầu tư công và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế Đầu tư công và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế

VTV.vn - Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước