Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam tại báo cáo vừa được cơ quan này công bố.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội gần như tuyệt đối khắp toàn quốc trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, vận tải hành khách và hàng hóa tháng 5 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) của Việt Nam tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 3% so với tháng 5/2019. Doanh số bán lẻ và hoạt động chế tạo chế biến trong nước đã có dấu hiệu hồi phục, tăng khoảng 10% so với tháng 4.
Vận tải hành khách và hàng hóa tăng lần lượt 116% và 32% trong tháng 5 so với tháng 4, nhờ các biện pháp hạn chế đi lại trong nước được từng bước nới lỏng từ ngày 23/4.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng 4. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 5 ít biến động, nhờ đó tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,4%, thấp hơn tháng 4 và tháng 1 năm nay. Tổng thu ngân sách của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam phản ứng nhanh ngay sau khi những biện pháp giãn cách xã hội trong nước được nới lỏng trong tháng 5, với mức tăng 10% trong ngành chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!