Mặc dù trạng thái "bình thường mới" đã được thiết lập, nhưng dư chấn của dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng và gây ra nhiều hệ lụy đối với kinh tế Việt Nam. Việt Nam có lợi thế hơn so với các quốc gia khác khi khống chế hiệu quả dịch COVID-19 và chuyển sang một giai đoạn mới sớm hơn nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -3%; Mỹ -6,1%; khu vực đồng Euro -7,5%; Nhật -5,2%. Trong khi đó, kinh tế các nước ASEAN cũng sẽ tăng trưởng âm từ 1,7% - 6,7%; chỉ có Indonesia tăng trưởng 0,5% và Việt Nam là 2,7%.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo là 4,8%.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tác động của đại dịch COVID-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng và đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Quý I, khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khó khăn thị trường đầu ra. Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%. Nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng, với số người bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người.
Hoạt động của một công xưởng tại Việt Nam (Ảnh: Bloomberg)
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Tuy nhiên hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp liêu xiêu trong suốt 4 tháng qua, không ít kế hoạch kinh doanh đã phải thay đổi. Đây cũng là thời điểm để nhìn nhận lại những khó khăn, thách thức, đồng thời điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận để thích ứng với tình hình mới.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tháng 4 có mức giảm mạnh nhất về giá trị khi 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng. Khó khăn khiến cho hàng vạn lao động trong ngành chế biến gỗ phải làm việc luân phiên hoặc mất việc làm.
Dự kiến, ngành gỗ sụt giảm tới 20% giá trị xuất khẩu trong năm nay. Trong khi đó, các ngành du lịch, hàng không, khách sạn… vẫn chưa thoát khỏi bóng đen của dịch bệnh.
Các doanh nghiệp sụt giảm hay thua lỗ cũng khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm theo. 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 32,5% dự toán, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, có tới hơn một nửa tỉnh, thành phố thu nội địa chỉ đạt trên 30% so với dự toán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!