7 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng tích cực. Nhiều ngành, lĩnh vực đạt được kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
Nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đạt trên 439 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 14 tỷ USD.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm nay ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số đạt được cao nhất của 7 tháng trong vòng 5 năm qua.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho rằng đây là mức tăng trưởng khá lành mạnh giữa tình hình địa chính trị thế giới hiện nay, cùng những thách thức từ bên trong, bên ngoài đối với nền kinh tế. Theo Giám đốc Quốc gia ADB, các yếu tố bao gồm duy trì sự phục hồi thương mại trong các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực sẽ giúp kinh tế Việt Nam giữ vững sức tăng trưởng trong năm 2024. Ngoài ra, chuyên gia của ADB khẳng định tăng trưởng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ đầu tư công, các yếu tố như sự trở lại của lĩnh vực dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định, và tiêu dùng nội địa phục hồi.
Nhìn về cả năm 2024, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng giai đoạn nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm, một phần do các chỉ số tăng trưởng trong nửa đầu năm nay được hưởng lợi từ xuất phát điểm thấp của nửa đầu năm 2023. Mặc dù vậy, ADB vẫn tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan một cách thận trọng với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!