Kinh tế Việt Nam đang tăng tốc

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/07/2024 21:22 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam đang tăng tốc, vượt so với các dự báo trước đó. Khu vực dịch vụ được dự báo là điểm sáng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm khi thời gian qua tăng 6,64%.

Qua nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam đang tăng tốc, vượt so với các dự báo trước đó và có điều kiện đạt mức tăng trưởng ở cận trên theo kế hoạch cả năm nay. Tuy nhiên, cần củng cố các yếu tố nội lực của nền kinh tế để giữ được đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Khu vực dịch vụ được dự báo là điểm sáng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm khi thời gian qua tăng 6,64%, đóng góp đến gần một nửa tăng trưởng GDP. Nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ cũng tạo ra cú hích cho tổng cầu của nền kinh tế.

Bà Yun Liu - Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: "Du lịch Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng cả doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và số lượng khách. Điều này góp phần vào mức tăng trưởng xuất siêu dịch vụ du lịch. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng các loại hình dịch vụ cạnh tranh với các quốc gia ASEAN".

Nhu cầu nội địa phục hồi dần về mức trước đại dịch trong bối cảnh lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Lãi suất điều hành được duy trì và thấp hơn so với cuối năm 2023 góp phần vào ổn kinh tế vĩ mô. Đây cũng là điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay: "Nhìn chung các doanh nghiệp nhà đầu tư châu Âu lạc quan về nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam. Gần 70% doanh nghiệp EU tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Và cũng gần 70% doanh nghiệp châu Âu sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư".

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện bất ổn địa chính trị, nguyên vật liệu, giá cước vận tải thế giới biến động mạnh, lãi suất cao đang tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu và khu vực, nhất là các nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Như vậy chi phí cho sản xuất và tiêu dùng có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạch trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt cân bằng giữa việc vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát. Nhưng hiện không còn nhiều dư địa, nên chính sách tài khoá phải thể hiện vai trò kích cầu sản xuất, kinh doanh, chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Làm sao để thấy được tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá cùng song hành và tác động lan toả".

Theo các tổ chức quốc tế, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khả thi nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế toàn cầu. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giúp củng cố các động lực xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân, cùng với đó cần thúc đẩy các động lực mới như trí tuệ nhân tạo, số hoá, kinh tế xanh. Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước