Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý đầu năm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 30/03/2022 19:57 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế đang ngày càng khởi sắc khi tăng trưởng GDP trong quý I/2022 đạt trên 5%. Hàng loạt các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng mạnh, ấn tượng.

Sản xuất, chế biến, chế tạo đóng góp trên 50% tăng trưởng GDP

Tăng trưởng GDP trong quý I/2022 đạt trên 5% có sự đóng góp trên một nửa công sức từ khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến và chế tạo. Không những thế, khu vực này còn đang là động lực chính của nền kinh tế với mức tăng trưởng đứng đầu trong tất cả các ngành, lĩnh vực với mức tăng gần gấp rưỡi mức bình quân chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư của toàn xã hội đều tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm nay là những chỉ dấu cho thấy sức sản xuất của nền kinh tế đã và đang dần khôi phục lại như trước khi có dịch bệnh và tạo quỹ đạo tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý đầu năm - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP trong quý I/2022 đạt trên 5% có sự đóng góp trên một nửa công sức từ khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến và chế tạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 7,8%, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành.

Chính sự bứt phá về sản xuất này đã giúp cho xuất khẩu cả nước trong tháng 3 đạt tăng trưởng gần gấp rưỡi so với tháng trước. Qua đó, giúp cho kim ngạch xuất khẩu trong cả quý 1 đạt 88,58 tỷ USD và đem lại mức thăng dư thương mại trên 800 triệu USD.

Ông Kim Sung Soo - Giám đốc Điều hành Huyndai Kefico Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ và mang tới những tác động tích cực cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, ưu đãi về thuế tăng hơn, hỗ trợ tiêm vaccine kịp thời... Tất cả những điều này đã tạo cho chúng tôi động lực kinh doanh và mở rộng đầu tư".

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp hiện lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II tới đây với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I vừa qua.

Điều này cho thấy, quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ không chỉ phát huy hiệu quả trong thực tế, mà còn tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng trở lại

Khu vực dịch vụ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nhưng đã có sự khởi sắc, tăng trưởng trở lại trong quý I. Điều này thể hiện rõ nhất trong các hoạt động như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải và kho bãi, bán buôn và bán lẻ. Chính sự hồi phục của khu vực này đã đóng góp trên 43% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 3 tháng qua.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với hàng hóa theo Nghị định 15 của Chính phủ đã kích thích nhu cầu mua sắm, qua đó giúp doanh thu quý I của siêu thị tăng trên 20%. Chính sự khởi sắc như vậy đã giúp cho ngành bán buôn và bán lẻ quý vừa qua tăng trưởng gần 3%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế.

Việc Chính phủ ban hành chính sách "bình thường mới", cho phép nhiều lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh và du lịch mở cửa sớm trở lại trong những tháng đầu năm nay đã kịp thời hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vận tải hồi sinh ngay cả khi giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: "Khách lại có nhu cầu và vận tải hành khách lại khôi phục trở lại tất nhiên không bằng như trước được. Vận tải hàng hóa bằng container mặc dù gặp khó khăn bởi thiếu container rỗng nhưng các doanh nghiệp đã tự thân tìm mọi cách vượt qua khó khăn".

Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý đầu năm - Ảnh 2.

Khu vực dịch vụ vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nhưng đã có sự khởi sắc, tăng trưởng trở lại trong quý I. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là các ngành có đóng góp lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Một số Nghị định mới được Chính phủ ban hành không chỉ giúp giảm nhiều thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn mà còn tạo động lực để ngành bảo hiểm tăng trưởng tới 12%.

"Các doanh nghiệp tăng cường kênh khai thác mới online, trực tuyến. Tăng vốn điều lệ, giảm chi phí. Về phía người dân sau hai năm dịch bệnh thì nhận thức về dịch bệnh, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cũng thay đổi rất nhiều", ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay.

Lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,7% và là khu vực có số lao động việc làm tăng rất mạnh so với quý trước, với mức tăng gần 1,5 triệu người. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh chúng ta đang phục hồi và phát triển kinh tế.

Sự khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ thời gian qua còn thể hiện ở con số hơn 25.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I, tăng tới hơn 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm lên hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân một tháng có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động - một con số cao kỷ lục trong tất cả các quý I từ trước đến nay.

Giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong quý I/2022 Giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong quý I/2022

VTV.vn - Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng chậm nhất trong quý I năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước