Một loạt tờ báo kinh tế lớn trên thế giới đã nhắc tới Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, là quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với dự báo đà tăng trưởng cao trong năm nay.
Theo nhận định của HSBC, "GDP Việt Nam trong quý 1/2022 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này nói lên một thông điệp rất rõ ràng là Việt Nam đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng".
Báo Bloomberg có bài "Tăng trưởng GDP Việt Nam nhờ vào vaccine và sản xuất", cho rằng Việt Nam, nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á đã tái khẳng định triển vọng tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Đó sẽ là tốc độ nhanh nhất trong khu vực và nhanh thứ hai ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Bài báo cũng trích dẫn nhận định của ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore: "Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu bình thường trở lại. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng Việt Nam sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn từ quý 2".
GDP Việt Nam trong quý 1/2022 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tờ Bloomberg đưa ra những lý do để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt mức cao: "Hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn là chìa khóa để duy trì hoạt động chung ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế".
"Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi nguồn vốn FDI cao, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức 19,7 tỷ USD trong năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong trung hạn. Ngoài ra, các ngành dịch vụ như du lịch cũng sẽ sớm được nối lại, giúp cho tình hình tài chính chung vẫn ổn định trong vòng 2 năm tới", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm Quốc gia của Fitch Ratings tại châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Nhờ chính sách thay đổi theo hướng tiếp cận linh hoạt với đại dịch và tỷ lệ tiêm chủng cao hơn mà nhiều hoạt động kinh tế đã dần phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong trung hạn, được hưởng lợi từ khả năng cạnh tranh về chi phí của Việt Nam và thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng.
Trên tờ Nikkei Asia, ngay dưới dòng tít "Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 5,03% trong quý 1/2022" là 1 hàng tít nhỏ "Xuất khẩu tăng 14%, nhưng sự tăng vọt của giá nguyên liệu vẫn là mối lo ngại".
Tờ Le Figaro nhận định: "Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đã được khẳng định, nhưng đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của đất nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.
"Việt Nam là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới, nên khi chúng ta bị gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu tăng nhanh, cũng như gián đoạn trong lĩnh vực vận chuyển và tiêu thụ tại một số thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, tất cả những điều này đều có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như sự tăng trưởng của Việt Nam và hoạt động kinh doanh của Việt Nam", ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội, đánh giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!