Xu hướng kinh tế tích cực ngày càng rõ nét
Kinh tế Việt Nam năm nay đã đi được 3/4 quãng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong bối cảnh đó, 9 tháng GDP cả nước tăng 4,24% là con số khá tích cực theo xu hướng khả quan khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, với quý I tăng chỉ tăng 3,28%, quý II tăng 4,05% và quý III tăng 5,33%. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Công nghiệp chế biến chế tạo là ngành thể hiện sự phục hồi khá rõ ràng khi quý I giảm 0,49%; quý II tăng 0,6% thì quý III đã bật tăng 5,61%. Tình hình đang ngày càng được cải thiện hơn qua từng tháng.
Sự phục hồi còn thể hiện rõ nét ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khi tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%. Những lĩnh vực này đóng góp chung vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam vượt khó tăng trưởng. Ảnh minh họa.
Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới như tổng cầu giảm, lạm phát cao, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia... nhiều giải pháp chủ động, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam khẳng định lại vị trí của mình, đặc biệt trong việc có sức hút hơn đối với các mặt hàng mà Việt Nam tự sản xuất, tăng chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu từ các nước trên thế giới, từ đó tăng giá trị về xuất khẩu. Một yếu tố rất quan trọng đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư công có vai trò rất quan trọng và có tác động sâu rộng đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế".
Cũng theo ADB, tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, cải thiện các hoạt động thương mại là nền tảng cho kinh tế Việt Nam vững vàng trước những khó khăn mang tính toàn cầu.
Bức tốc giải ngân đầu tư công
Cỗ xe kinh tế của Việt Nam 9 tháng qua tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong khó khăn là nhờ một phần không nhỏ từ sức kéo giải ngân đầu tư công. Đây được xem là một trong những động lực chính hỗ trợ cả nền kinh tế và các doanh nghiệp ngược dòng khó khăn toàn cầu.
9 tháng qua đã có 415,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, bằng 57,4% kế hoạch năm, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cỗ xe kinh tế của Việt Nam 9 tháng qua tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong khó khăn là nhờ một phần không nhỏ từ sức kéo giải ngân đầu tư công. Ảnh minh họa.
Mặt bằng sẵn sàng, nguồn vốn được bố trí hợp lý, dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã có nhiều chuyển biến về tiến độ. Đến thời điểm này đã giải ngân được hơn 94% kế hoạch vốn năm 2023. Sự bứt tốc của những dự án như vậy đã giúp Đồng Tháp giải ngân được gần 80% kế hoạch vốn năm nay và nằm trong nhóm đứng đầu cả nước.
Theo Bộ Tài chính, cả nước có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50% kế hoạch năm, qua đó đưa vốn mồi kích hoạt các nguồn vốn khác và tạo hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông khu vực Tây Nam Bộ đang được dần rút ngắn lại. Đây chính là hiệu quả xuất phát từ nguồn vốn đầu tư công. Chính vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, sớm đưa dự án vào khai thác, sẽ mang lại cơ hội cho nhiều địa phương, nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong quý III có thêm nhiều dự án khởi công mới hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào triển khai thực hiện. Điều này tạo thêm cơ hội bứt phá trong giải ngân đầu tư công những tháng còn lại của năm. Qua đó giúp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoàn thành mục tiêu giải ngân cả năm, bù đắp mức tăng trưởng thấp của một số ngành chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới và góp phần tạo thêm đà cho tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm.
IMF đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố kết luận về đợt tham vấn theo điều 4 của cơ quan này với tình hình và những chính sách kinh tế của Việt Nam. Bản báo cáo được đưa ra sau khi một đoàn cán bộ của IMF đã có các cuộc làm việc với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo bản báo cáo này, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam năm 2022 đã bị chững lại trong những tháng đầu năm nay do thị trường xuất khẩu tăng trưởng chậm bởi nhu cầu thấp.
IMF cho rằng, hiện tại, sức ép thanh khoản, ngoại hối và lạm phát đã dịu bớt và lạm phát vẫn được kiểm soát ở dưới mức mục tiêu 4,5%. Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao trong trung hạn, với sự hỗ trợ của các cải cách cơ cấu.
Ông Paulo Medas - Trưởng nhóm Phụ trách Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: "Việt Nam có lợi thế lớn so với nhiều nước khác, điều mà tôi đã thấy trong quá trình làm việc đó là có nhiều không gian tài khóa, có mức nợ thấp. Việt Nam đã rất thận trọng trong những năm qua trong khi nhiều nước trên thế giới có mức nợ cao. Chính sách tài khóa là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng trong khi nhiều nước khác không có được".
Cơ quan này khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có năng lượng, coi trọng đầu tư cho giáo dục, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!