Vùng Vịnh sẽ phải chứng kiến một cuộc bỏ đi ồ ạt của lao động nhập cư. (Ảnh minh họa: AsiaNews)
Vùng Vịnh được xem là một trong những khu vực phụ thuộc vào lao động nhập cư hàng đầu thế giới. Kỷ nguyên dầu giá cao khiến nơi đây tự tin sống dựa vào lao động nhập cư, từ các ngành nghề đơn giản, cho tới bộ óc của nền kinh tế. Vậy nhưng theo trang mạng Al Arabiya, Vùng Vịnh sẽ phải chứng kiến một cuộc bỏ đi ồ ạt của lao động nhập cư, cả tay nghề cao lẫn lao động giản đơn. Một sự ra đi ồ ạt như vậy sẽ khó có thể thay thế bởi lao động nội địa, không chỉ không đáp ứng nổi về số lượng, mà còn khoảng cách về khả năng và tay nghề.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, người nhập cư chiếm tới 90% dân số. Tại Kuwait, 2/3 dân số là người nước ngoài. Ở Oman hay Bahrain, một nửa dân số cũng là người nước ngoài.
Báo chí Trung Đông nêu ra 2 lý do khiến nhiều lao động nhập cư muốn rời bỏ Vùng Vịnh: Thứ nhất là kinh tế đi xuống; Thứ hai là chính sách an sinh với người nhập cư yếu kém, đại dịch khiến nhiều nhiều lao động không cảm thấy yên tâm. Bài viết cũng cảnh báo, lao động nhập cư không chỉ là một "bánh răng" trong bộ máy, đó là một phần không thể thiếu giúp duy trì sự vận hành của cả một guồng máy kinh tế tại Vùng Vịnh.
Vùng Vịnh được xem là một trong những khu vực phụ thuộc vào lao động nhập cư hàng đầu thế giới. (Ảnh minh họa: The Guardian)
Phụ thuộc quá nhiều vào lao động nhập cư đẩy nhiều quốc gia Vùng Vịnh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không thuê lao động nhập cư nữa, nền kinh tế không chỉ không có người vận hành, nó còn tác động lớn tới một loạt thị trường, bởi người nhập cư cũng chính là lực lượng tiêu dùng hùng hậu.
Trang mạng Gulf business cảnh báo sức ép giảm phát sẽ càng trầm trọng khi người nhập cư rời đi, bên cạnh nguy cơ suy thoái của thị trường bất động sản.
Kinh tế khó khăn đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia Vùng Vịnh. Làm sao để xây dựng được một nền kinh tế tự lực cánh sinh, thoát khỏi sự phụ thuộc vào người nhập cư? Một số chuyên gia cảnh báo, xem xét lại chính sách phụ thuộc vào lao động nhập cư là quá muộn khi tại các nước này, người bản xứ không làm việc trong các ngành nghề giản đơn; trong khi đó, lực lượng lao động bản xứ cũng không đáp ứng được công việc trong những ngành nghề phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!