Kịp thời phát hiện, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm

TTXVN-Thứ năm, ngày 15/12/2022 19:06 GMT+7

VTV.vn - Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường.

Thời điểm cuối năm cũng là lúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng được đẩy mạnh và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vi phạm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa…

Mặt dù năm 2022, hàng trăm nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế này đòi hỏi lực lượng chức năng nói chung; trong đó, có lực lượng quản lý thị trường phải siết chặt kỷ cương hơn nữa để thanh lọc thị trường.

Chảo lửa tăng nhiệt

Thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện trên 100.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; trong đó số vụ buôn lậu hàng cấm chiếm khoảng gần 15.000 vụ, thu nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng... Riêng với quản lý thị trường, trong 11 tháng năm 2022, toàn lực lượng đã xử lý trên dưới 30.000 vụ việc vi phạm.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra và thu giữ sản phẩm vi phạm nhãn hiệu tại cửa hàng TRANG NEMO STYLE. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi ngày trôi qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn âm thầm diễn ra và chưa hề ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán tới gần, độ nóng của chảo lửa này lại tăng thêm nhiệt. Với hàng loạt thủ đoạn tinh vi, biến hình che mắt lực lượng chức năng để tuồn hàng lậu, hàng giả vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Thông thường, các đối tượng vi phạm hay tập trung buôn lậu vào các mặt hàng trọng điểm, có giá trị cao và nhu cầu tiêu dùng lớn. Chẳng hạn như: xăng dầu, đường cát, phân bón, hàng điện tử, thời trang, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu bia...

Cùng đó, hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc; kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu...

Cũng theo đại diện Cục Nghiệp vụ, từ 2 - 3 năm trở lại đây, không gian mạng trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng buôn lậu, quảng cáo, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

Với thói quen mua bán hàng hóa online đã rất phổ biến trong người dân nhưng hành lang pháp lý để quản lý giao dịch điện tử đã và đang bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở, bất cập.

Đơn cử như mấy ngày qua, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang "TRANG NEMO STYLE" tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và phát hiện, thu giữ gần rất nhiều sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép... có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng.

Trước đó, trong năm 2022, tại Tuyên Quang hay Thanh Hóa, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện, xử lý nhiều cơ sở, kho hàng đang kinh doanh, chứa trữ nhiều hàng hóa vi phạm.

Đây chỉ là một vài điểm trong hàng trăm điểm kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện. Hơn nữa, là những vụ việc nổi bật trên thương mại điện tử mà lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường. Điều này thể hiện rõ hiệu lực, hiệu quả sau khi lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình ngành dọc.

Là một trong những địa bàn quan trọng của cả nước, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 20 (Cục Quản lý thị trường) Hà Nội qua kiểm tra kho đông lạnh tại KCN Cầu Gáo (Đan Phượng) đã phát hiện 3 tấn chân gà đông lạnh không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của lô hàng này.

Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết không có dấu hiệu hạ nhiệt mà diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Đáng lưu ý, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm - Ảnh 2.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vừa thu giữ 2 tấn nầm lợn và tràng trứng gà. (Ảnh: TTXVN)

Không dừng lại ở đó, thị trường còn xuất hiện việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm "Made in Vietnam".

Chủ động giải pháp

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP Chu Xuân Kiên cho biết, phục vụ nhu cầu mua sắm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã giao các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành và UBND các cấp chủ động nắm tình hình, địa bàn, thu thập thông tin để xác định đối tượng vi phạm và xử lý có hiệu quả theo quy định pháp luật.

Vì vậy, lực lượng tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức, tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại.

Mặt khác, quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ chủ động phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên...và tại sân bay quốc tế Nội Bài, các hội chợ Xuân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, lực lượng sẽ thường xuyên kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm..., các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.

Việc này nhằm góp phần mang đến sự an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ở đây, cũng cần đến sự chung tay của người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Nhằm chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, năm nay Tết Dương lịch và Nguyên đán rất gần nhau, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân cũng tăng cao trong thời gian tới. Vì vậy, Tổng Cục trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm - Ảnh 3.

Cục Quản lý thị trường địa phương tổ chức tập huấn và trưng bày hàng thật hàng giả để trao đổi và nâng cao nghiệp vụ cho các kiểm soát viên. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, đối với các tỉnh có đường biên giới, ông Trần Hữu Linh yêu cầu, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an để nắm bắt, kiểm soát thị trường. Đồng thời, qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm thương mại khi hàng hóa vận chuyển từ khu vực biên giới vào nội địa.

Ngoài ra, lực lượng cần tăng cường thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh, văn hóa tiêu dùng.

Đặc biệt, ông Trần Hữu Linh cũng lưu ý các Cục Quản lý thị trường, khi kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường cần chú ý các mặt hàng trọng điểm, nhu cầu cao trong dịp Tết. Chẳng hạn như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, bánh kẹo, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường phải tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế

VTV.vn - Từ 1/12/2022, các cơ quan chức năng liên quan sẽ tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước