Kỳ lân hay Lạc đà: Chiến lược của các start up công nghệ thời dịch bệnh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 02/05/2020 20:31 GMT+7

VTV.vn - Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các start up công nghệ đã chọn lối đi nào để thích nghi và phát triển?

Dịch bệnh, kinh doanh thua lỗ dường như hai khái niệm này nhiều tháng qua luôn đi cùng với nhau. Nhưng trong bóng tối của dịch COVID-19, vẫn có những doanh nghiệp tuần đưa ra các báo cáo kinh doanh sáng lấp lánh. Doanh thu không những không giảm mà còn tăng trưởng khá đáng kể.

Công ty mẹ Alphabet của Google, cuối tuần qua báo cáo doanh thu tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đóng góp lớn thuộc về mảng tìm kiếm trên công cụ Google Search. Lý giải do người người lên mạng tìm thông tin về dịch bệnh trong suốt nhiều tháng. Lợi nhuận quảng cáo từ Youtube cũng tăng. Amazon cũng cho biết doanh thu tháng 3 tăng 26% so với tháng 1. Microsoft đánh bại mọi dự đoán của chuyên gia, đêm 30/4, cổ phiếu tăng 2% trước phiên giao dịch. Ứng dụng làm việc trực tuyến Teams của hãng này đã đạt con số 75 triệu người dùng mỗi ngày.

Các hãng công nghệ là động cơ tạo ra một nền kinh tế không chạm, không tiếp xúc nên rõ ràng họ có lợi thế lớn khi dịch bệnh ập đến, hàng tỷ người bị hạn chế giao tiếp. Nhưng điều này có nghĩa là công nghệ là mảng sáng trong bức tranh u ám do COVID-19 mang lại?

Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi không phải hãng công nghệ nào cũng là những người khổng lồ như Google hay Microsoft với vốn hóa nghìn tỷ USD. Ví dụ từ thành phố New York, hầu hết công ty công nghệ ở đây đều chỉ thuộc dạng nhỏ và vừa. Thung lũng Silicon, cái nôi của công nghệ Mỹ cũng vậy. Trong số 50 startup đáng chú ý nhất ở đây, rất nhiều những cái tên tương đối xa lạ. Điểm chung đều có tiềm năng lớn, mặc dù chưa thấy lợi nhuận, doanh thu thực tế. Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của các startup này đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và lòng tin của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh dịch bệnh, những người sáng lập các start up đang phải xoay sở đủ cách để bảo vệ sự sống còn của các start up mà họ đã dày công phát triển. Với phần lớn các startup, điều này có nghĩa là phải cắt giảm nhân sự, giảm ngân sách tiếp thị về 0, loại bỏ các khoản tiền thưởng và ưu đãi dành cho nhân viên, khẩn cấp tìm thêm nguồn vốn mới... Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 250 start up ở Mỹ đã sa thải gần 25.000 nhân viên. Phần lớn start up này nằm ở thung lũng Silicon.

Mọi start up đều có mục đích biến thành kỳ lân, được định giá trên 1 tỷ USD. Kỳ lân sẽ xuất hiện sau những lần gọi vốn với số tiền đầu tư cao chóng mặt. Nhưng COVID-19 đã biến mảnh đất đầu tư mạo hiểm vốn màu mỡ dần trở nên khô cằn hơn.

Để vượt qua hành trình dài trên sa mạc đầu tư đang khô cằn, có lẽ các start up nên trở thành lạc đà, biết dự trữ nguồn nước để có thể sống sót. Đây cũng là chiến lược phát triển bền vững mà nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo với các start up lớn quá nhanh, quá mạnh trong thời gian quá ngắn. Đặc biệt, khi dịch bệnh - một thảm họa bất ngờ ập đến, những start up đã quen dùng "nhiên liệu của máy bay phản lực" sẽ khó có thể thích nghi với dầu diesel.

Với những công ty công nghệ, giá trị lớn nhất của họ chính là sáng tạo đột phá. Trong thời kỳ dịch bệnh, bên cạnh những người khổng lồ công nghệ, rất nhiều start up khác đã chứng minh được lợi ích mà họ mang lại cho cộng đồng chính bằng sự sáng tạo của mình. Dịch bệnh sẽ dần được khống chế trong những tháng tới. Nhưng từ mùa dịch này, nhiều start up đã tìm ra con đường để đưa những sản phẩm của mình tới ứng dụng lâu dài.

Các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ trực tuyến ứng phó dịch Covid-19 Các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ trực tuyến ứng phó dịch Covid-19

VTV.vn - Hiện nay, nhiều bệnh viện đã chủ động xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, cho phép xử lý trực tuyến nhiều nghiệp vụ cùng lúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước