Hợp tác vùng này được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh bó đũa, hình thành cực tăng trưởng kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngay sau khi thỏa thuận kết nối kinh tế giữa 4 địa phương được ký kết, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị mở rộng sản xuất.
Theo các chuyên gia, việc hợp tác chính thức để phát triển kinh tế trục cao tốc phía Đông được đánh giá trúng kỳ vọng của doanh nghiệp các địa phương trong thời điểm Chính phủ đặt mục tiêu hồi phục kinh tế.
Sau khi thỏa thuận kết nối kinh tế giữa 4 địa phương được ký kết, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị mở rộng sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Nguồn lực hiệu quả hơn, hỗ trợ nhau để thu hẹp khoảng cách phát triển. Nếu liên kết này thành công thì đây được coi là mô hình thử nghiệm về mặt thể chế", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá.
"Sự kết nối này đi từ thấp đến cao, từ các hoạt động đơn giản đến phức tạp, tạo ra sự kết nối", ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên sẽ đứng trong top 20 tỉnh thành tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất cả nước.
"Chất lượng chúng tôi đào tạo hướng tới không chỉ cung cấp trong tỉnh và các tỉnh trong vùng liên kết, hướng đến chất lượng đào tạo khối ASEAN để phục vụ khu vực 600 triệu dân", ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, cho hay.
Một số giải pháp cụ thể cũng được lãnh đạo các địa phương đặt ra như: mở rộng mạng lưới logistics đường thủy, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao theo mùa, nhằm tận dụng thế mạnh của từng địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!