Lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam

VTV Digital-Thứ ba, ngày 12/11/2024 20:38 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, năm 2024 Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng tích cực, khi tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.

Diễn biến thương mại toàn cầu năm 2025 trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi sẽ có những tác động được cho là sẽ theo hướng thuận lợi cho nền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng đẩy nhanh quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tạo thêm động lực cho tăng trưởng trong nước. Đây là nhận định từ các chuyên gia từ Diễn đàn đầu tư Việt Nam được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, năm 2024 Việt Nam sẽ giữ được đà tăng trưởng tích cực, khi tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm nay.

Trong năm 2025, việc Trung Quốc tung ra các gói hỗ trợ kích thích kinh tế mạnh mẽ. Hay các dự báo xu hướng nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn hạ cánh mềm, các chính sách nới lỏng tiền tệ... đều sẽ có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Báu - Giám đốc CTCP dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup cho biết: "Mình hi vọng được rằng với câu chuyện bối cảnh kinh tế toàn cầu hỗ trợ cho việc khai thông, những chính sách kinh tế, tài khoá, tiền tệ bắt đầu thẩm thấu thì năm 2025 có thể dùng từ "khai thông" được cho câu chuyện kinh tế Việt Nam. Và nó cũng là sự khai thông về pháp lý bởi rõ ràng chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một giai đoạn mà xử lý về pháp lý tốt như hiện tại".

Lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam  - Ảnh 1.

Tính trong 10 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI thực hiện đã đạt con số gần 19,6 tỷ USD

Các chuyên gia cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ hai động lực quan trọng là xuất nhập khẩu và đầu tư FDI.

Để giữ tốc độ tăng trưởng cao những năm tiếp theo, việc thúc đẩy đưa vốn ra thị trường thông qua giải ngân đầu tư công và kích thích tiêu dùng nội địa là hai yếu tố sẽ tạo ra nhiều dư địa tăng trưởng.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á chia sẻ: "Phải tập trung nhiều hơn nữa vào kích cầu nội địa, làm sao để phát triển thị trường nội địa, kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích đầu tư trong nước, tăng cường chi tiêu công, trong đó có giải ngân đầu tư công để tạo nên động lực mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế nội địa".

Dự báo năm tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản tiếp tục hưởng lợi từ dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tính trong 10 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI thực hiện đã đạt con số gần 19,6 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land nhận định: "Chúng tôi thấy có các nhà đầu tư truyền thống, các nhà đầu tư mới và một số nhà đầu tư nếu trong ba năm qua, vì họ có điều chỉnh danh mục của họ và thị trường bất động sản của Trung Quốc đang có những dấu hiệu chững lại. Trên cơ sở đó, những dòng vốn đó sẽ được dịch chuyển về thị trường Việt Nam".

Với nhiều yếu tố thuận lợi, các tổ chức và chuyên gia đều có cái nhìn lạc quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt với những quyết tâm mạnh mẽ về cải cách thể chế, chính sách đột phá mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước