Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/05/2024 21:35 GMT+7

VTV.vn - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vừa được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực. Trước đó, nhiều định chế tài chính quốc tế cũng đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Báo cáo cập nhật kinh tế hàng quý của các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh đến đà xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh. Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tháng 4 của Việt Nam đạt 50,3 điểm cho thấy đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng cao. Tín hiệu này cũng phản ánh rõ qua con số xuất khẩu 4 tháng đạt trên 123 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Quý đầu tiên đúng như dự báo của chúng tôi nhận định trước đó là xuất khẩu tăng trưởng, lấy lại phục hồi. Chúng tôi nhận định tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ chẳng hạn, với dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở ngưỡng 2,3% năm nay. Đây là thị trường tiêu thụ lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, triển vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục khả quan".

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn Tham vấn và Giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định: "Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, đó là điều tích cực và sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng chung. Cũng cần lưu ý chi tiêu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình chưa cao như mong muốn. Vì thế, trong thời gian còn lại của năm, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh và hy vọng nhu cầu trong nước cũng sẽ tăng lên".

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài

Lợi thế về thương mại cũng đang củng cố vị trí của Việt Nam là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện tăng 7,4%, cao nhất cùng kỳ 5 năm qua cho thấy niềm tin của nhà đầu tư ngày càng cao.

Ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Khảo sát từ báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh quý I của chúng tôi cho thấy tâm lý chuyển biến tích cực trong quý sắp tới đối với nền kinh tế nói chung. Mức độ lạc quan tăng 6 điểm so với quý trước lên 45%, trong khi mức độ bi quan chỉ là 10%. Hơn một nửa số doanh nghiệp khảo sát dự đoán số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ cao hơn trong quý II năm nay".

Các báo cáo cũng nhấn mạnh việc điều hành kinh tế của Chính phủ theo hướng linh hoạt, chủ động, trong đó tập trung hỗ trợ cho tăng trưởng. Đáng chú ý, chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công đang phát huy hiệu quả, củng cố sự phục hồi.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu ý kiến: "Động lực chính để đảm bảo tăng trưởng từ 6% trở lên trong năm nay sẽ là đầu tư công. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ gia tăng chất lượng công trình hạ tầng với con số khoảng trên 27 tỷ USD được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ giải ngân trên 95% kế hoạch vốn, thúc đẩy mạnh mẽ phân bổ và giải ngân vốn ngay từ đầu năm".

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh rủi ro bên ngoài vẫn còn như bất ổn địa chính trị, lạm phát, tỷ giá biến động toàn cầu, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định khu vực ngân hàng, trong đó tăng cường quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước