Lãi suất – Công cụ "hạ nhiệt" khi lạm phát tăng cao

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 07/05/2022 10:59 GMT+7

VTV.vn - Lần tăng lãi suất mới đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là cần thiết để phanh lại đà tăng của lạm phát.

Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất có thể trong vòng 40 năm trở lại đây. Có một số yếu tố được các chuyên gia cho là nguyên nhân khiến nó cao như thế.

Đầu tiên là tiền của chính phủ bơm vào các hộ gia đình để giúp đỡ họ vượt qua đại dịch COVID-19. Cả cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden đều kí sắc lệnh bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong cả năm 2020 và 2021.

Những khoản tiền cứu trợ được coi như nhiên liệu để khởi động nền kinh tế sau đại dịch, nhưng khởi động nóng quá thì cũng không tốt. Nhất là khoản cứu trợ sau đó được cho là đến vào một thời điểm không cần thiết.

Cú hích tiếp theo chính là xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine vào đầu năm nay. Xung đột khiến giá dầu thế giới tăng cao, giá lương thực, ngũ cốc cũng tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng

Và khi lạm phát đã lên tới mức đáng lo ngại như thế này, cần phải có một biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế. Đó chính là lúc Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED ra tay. Việc tăng lãi suất sẽ khiến người dân đi vay tiền mua nhà mua xe phải chịu phí và qua đó giảm nhiệt cơn tăng giá của hàng hoá hay nhà cửa.

Lãi suất – Công cụ hạ nhiệt khi lạm phát tăng cao - Ảnh 1.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ảnh: AP

Như vậy là lần tăng lãi suất này của FED là cần thiết để phanh lại đà tăng của lạm phát. Những lần trước, mỗi khi FED tăng lãi suất là thị trường chứng khoán lại rơi vào trạng thái lo ngại. Lần này, thị trường lại giữ được sắc xanh. Chỉ số Dow Jones bật tăng tận 900 điểm. Quyết định lần này của FED nằm trong dự đoán của các nhà đầu tư chứng khoán. Phần trăm lãi suất tăng cũng nằm trong mức mà thị trường cho là dễ chịu.

Thị trường Mỹ phản ứng tích cực trước quyết định của FED

Phiên giao dịch ngày 4/5 tại Phố Wall đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell, nơi ông công bố kết quả phiên họp vừa kết thúc của Ủy ban Thị trường mở - đầu não quyết định chính sách của Fed.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói: "Hôm nay chúng tôi đã nhất trí nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và nếu các điều kiện vĩ mô đạt được như kỳ vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc mức tăng này trong các cuộc họp tiếp theo. FED chưa cân nhắc tới việc tăng 0,75 điểm phần trăm vào lúc này".

Sau thông báo từ FED, thị trường từ chỗ giao dịch lình xình đã nhanh chóng khởi sắc, các chỉ số chính đồng loạt tăng mạnh. Chốt phiên, chỉ số tổng hợp S&P 500 đi lên gần 3% - mức tăng lớn nhất trong một phiên kể từ năm 2020 đến nay.

Cả 11 nhóm ngành của chỉ số này đều tăng điểm, dẫn đầu là nhóm năng lượng trong bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu vẫn ở mức cao. Sắc xanh cũng bao phủ hầu như khắp thị trường, với tỷ lệ lên tới 4 cổ phiếu tăng giá trên 1 cổ phiếu giảm.

Theo các chuyên gia, hiệu ứng tích cực rõ ràng nhất ở chỗ Fed khẳng định vẫn sẽ trung thành với mức tăng 0,5 điểm %, chưa tăng mạnh hơn ở giai đoạn hiện nay. Nhà đầu tư nhìn thấy được rằng, chi phí đi vay tăng lên ở mức chấp nhận được và có một lộ trình rõ ràng, tránh nguy cơ đẩy cả thị trường và nền kinh tế vào sự hỗn loạn.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng, hãng nghiên cứu CFRA, nói: "Điều FED mong muốn là tạo ra một cuộc "hạ cánh mềm", nền kinh tế có thể chậm lại đôi chút nhưng không rơi vào suy thoái. Dù GDP quý I sụt giảm nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo rằng trong giai đoạn từ quý II đến hết quý IV, kinh tế sẽ tăng khoảng 3% mỗi quý, tức là không có suy thoái".

Trong khi tâm lý chung khá sáng sủa, vẫn có một số cổ phiếu lớn quay đầu đi xuống trong phiên 4/5, như ứng dụng Lyft sau khi ghi nhận báo cáo quý I không đạt kỳ vọng. Điều đó cho thấy dù lạc quan, nhưng giới đầu tư vẫn sẽ phải đau đầu vì nhiều yếu tố khác chi phối thị trường. Tuy nhiên ít nhất, mối quan ngại xung quanh vấn đề lãi suất của FED đã tạm thời được đẩy lùi.

Trước cuộc họp của FED, một số ngân hàng trung ương cũng đã tăng lãi suất và điều này làm dấy lên câu hỏi liệu rằng có hay không một làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng- đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi?

Theo như phân tích từ các chuyên gia thuộc Bank of America, sẽ có nhiều nền kinh tế mới nổi thuộc châu Á bình thản đứng ngoài cuộc đua lãi suất này. Có thể kể đến như Ngân hàng trung ương Thái Lan vẫn giữ nguyên lãi suất 0,5% trong gần 2 năm qua. Ngân hàng trung ương Indonesia cũng giữ vững mức lãi suất 3,5% còn ngân hàng trung ương Malaysia rất có thể sẽ giữ lãi suất 1,75% đến tận quý 3 năm nay.

Lãi suất – Công cụ hạ nhiệt khi lạm phát tăng cao - Ảnh 2.

Các nền kinh tế mới nổi ưu tiên phục hồi nền kinh tế

Bình thường, khi FED tăng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi khác cũng phải chịu sức ép từ việc dòng vốn rút khỏi khu vực, và cũng phải tăng theo. Lần này có gì khác?

Theo một số chuyên gia của tổ chức đánh giá tín dụng Fitch, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á sẽ không vội nâng lãi suất vì họ còn đang phải ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Lạm phát ở mức thấp. Bên cạnh đó, đồng tiền của họ cũng khá ổn định so với đồng USD như tại Indonesia. Ngoài ra, còn nhiều thứ phải lo như giá nguyên vật liệu đang không ngừng tăng nên sẽ chưa có làn sóng tăng lãi suất ồ ạt.

Việc FED thắt chặt chính sách và thu hẹp bảng cân đối kế toán tất nhiên sẽ khiến dòng vốn rẻ bị giảm đi phần nào như Brazil đã phải tăng lãi suất lên mức cao nhất 2 thập kỷ.

Như vậy, khi mà thị trường lo ngại về một chính sách có phần diều hâu thì FED đã nhắm tới một cú hạ cánh mềm có tính chất bồ câu: vừa kiềm chế lạm phát và vừa không ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế. Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng điều này là có thể thực hiện được. Sự chắc chắn và tự tin và FED cũng tiếp thêm niềm tin cho các nhà đầu tư rằng kinh tế Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước