Lãi suất cho vay mua nhà giảm
Khảo sát từ nhiều sàn giao dịch bất động sản cho thấy, trên 50% người đi mua nhà đều có nhu cầu vay tiền ngân hàng, bên cạnh vốn tích lũy, vay mượn của người thân.
Từ đầu tháng 8 vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà trả góp. Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, đây là mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Lãi suất vay mua nhà thấp nhất thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered, Woori Bank, Shinhan Bank, ở mức 6,49 - 8,8%/năm đối với các khoản vay từ 1 - 3 năm.
Từ đầu tháng 8 vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà trả góp. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Lãi suất vay mua nhà trung bình thuộc về nhóm các ngân hàng như: Maritime Bank, TPBank, BIDV, PvcomBank, Vietcombank, HSBC, Techcombank... Mức lãi suất phổ biển dao động từ 7,7 - 10%/năm trong vòng 1 - 3 năm tùy ngân hàng. Như vậy, so với năm 2019, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ 1,5 - 2%/năm.
Theo lý giải của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay mua nhà có thể giảm được vào thời điểm này là do nhiều ngân hàng đang khá dồi dào về nguồn vốn. Trong khi đó, nhu cầu vay trên thị trường đang suy giảm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lãi suất giảm: Thị trường bất động sản có hưởng lợi?
Theo quy luật cung - cầu, việc các ngân hàng giảm lãi suất là tất yếu, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn và đẩy mạnh tín dụng. Trong đó, việc cho vay mua nhà được đánh giá là sản phẩm có dư nợ cao, rủi ro thấp... nên sẽ được các ngân hàng ưu tiên thực hiện. Vậy động thái giảm lãi suất của các ngân hàng liệu có tạo ra "cú hích" cho thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh?
Chị Huyền (Hà Nội) vừa quyết định mua một căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng. Hai vợ chồng mới tích cóp được 30% giá trị căn hộ, 70% còn lại anh chị đi vay ngân hàng.
Chị Huyền cũng chia sẻ, gia đình đã cân nhắc rất kỹ khi chọn vay mua nhà trả góp, vì nếu vay tiền bạn bè, người thân lúc này cũng khó khăn, lại không chủ động được thời gian trả nợ. Còn nếu chỉ tích cóp từ lương, theo tính toán, mỗi tháng dành dụm từ 4 - 5 triệu đồng, chị sẽ phải mất tới 20 - 25 năm mới có thể mua được căn nhà hơn 1 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng giao dịch bất động sản giảm sút. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trước đây, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 5 - 6%/năm đã hỗ trợ tích cực cho nhiều gia đình trẻ mua được nhà ở thành phố. Tuy nhiên, sau khi gói này hết thời hạn, nhiều người gặp khó khăn vì lãi suất trên thị trường lên tới trên dưới 10%/năm. Bởi vậy, mức giảm lãi vay mua nhà hiện nay tại một số ngân hàng chỉ 6 - 8%/năm sẽ hỗ trợ rất tốt, mặc dù thời hạn ưu đãi chỉ từ 1 - 3 năm. Một số ý kiến cho rằng, đây là thời điểm tốt để người mua nhà thực quyết định.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập, công việc của người lao động nên người mua cần tính toán kỹ khả năng trả nợ.
Riêng đối với các khách hàng mua tại các dự án nhà ở đang xây dựng, một số chủ đầu tư còn bắt tay với ngân hàng mà họ liên kết để đưa các gói lãi suất 0%, từ lúc mua tới khi nhận bàn giao nhà, kéo dài tới 2 năm. Thời gian vay cũng kéo dài, lên tới 35 năm.
Như vậy, chỉ cần chứng minh thu nhập đảm bảo, ổn định, việc vay tiền ngân hàng để mua nhà không quá khó khăn vào lúc này.
Nhiều người đánh giá, mức lãi suất hiện tại đối với người mua nhà tại các dự án, hay cần tiền để mua nhà đất riêng lẻ đều đang khá hấp dẫn. Tuy nhiên, ở đây người mua cũng cần lưu ý, sau khi hết thời hạn ưu đãi (thường từ 1 - 3 năm), lãi vay mua nhà sẽ phải cộng thêm biên độ 3 - 4% tùy từng ngân hàng.
Vì sao giá nhà chưa giảm dù ảnh hưởng từ dịch bệnh?
Dù ảnh hưởng do dịch bệnh nên lượng giao dịch bất động sản có giảm sút, thế nhưng giá nhà lại không giảm.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu vẫn chọn bất động sản làm nơi trú ẩn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II vừa qua, chỉ tính riêng phân khúc chung cư, tại Hà Nội, giá tăng khoảng 0,16% so với quý I, TP.HCM tăng 0,25%. Báo cáo này cũng cho thấy, trong quý I, tại 2 thành phố lớn của cả nước đều không có dự án nhà ở nào được cấp phép mới. Sang quý II, tình hình mới được cải thiện, với 8 dự án tại Hà Nội, và 4 dự án tại TP.HCM.
Theo quan sát của một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu vẫn chọn bất động sản làm nơi trú ẩn, thay cho các kênh nhiều biến động.
Các chuyên gia dự báo, với quỹ đất hạn chế và vướng mắc về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay, nguồn cung thời gian tới sẽ vẫn còn khan hiếm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!