Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn có mức giảm từ 0,1 - 0,2%, kỳ hạn trên 6 tháng có thể giảm tới 0,5%/năm.
Gửi ngắn hạn từ 1 - 3 tháng, lãi suất chỉ còn 2,35 - 3,8%/năm. Từ 6 đến trên 12 tháng, lãi suất phổ biến từ 4,6 - 6,8%/năm. Dù lãi giảm, nhưng với nhiều người, tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn nhất.
"Tôi thấy mua bán bất động sản, chứng khoán rất dễ thua lỗ hơn là gửi ngân hàng", chị Nguyễn Thị Minh Thu (người gửi tiền) chia sẻ.
Mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Gửi tiền online lãi suất thường cao hơn 0,1 - 0,2% và mình đỡ mất công ra quầy", chị Nguyễn Thùy Trang (người gửi tiền) cho biết.
Giới phân tích cho rằng, nếu so với kỳ vọng lạm phát ở khoảng 3,3% trong năm nay thì người gửi tiền vẫn có mức lãi thực dương. Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn sẽ tăng khoảng 3,5% trong quý I.
Nhiều dự đoán cho thấy mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm, bởi nhu cầu vay vốn yếu trong khi lượng tiền của các ngân hàng khá dồi dào.
Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã giảm ở hầu hết các kỳ hạn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Hàng năm vào thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng không tăng nhanh, nhưng do dịch bệnh nên sẽ bị ảnh hưởng thêm. Chính vì vậy, nguồn tiền thừa của các ngân hàng có thể nhiều hơn. Ngoài ra, lãi suất đầu vào tại quầy các tất cả các ngân hàng đều có xu hướng giảm để tạo tiền đề cho các chương trình online khi gửi tiết kiệm online khách hàng sẽ được cộng thêm 0,3% so với lãi suất tại quầy", bà Lê Thu Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng SeABank, cho hay.
Các ngân hàng cũng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!