Cập nhật bảng lãi suất huy động mới nhất của các ngân hàng thương mại trong ngày 1/3 cho thấy, lãi suất niêm yết cao nhất cho các khoản tiền gửi dưới 50 tỷ đồng hiện neo ở mức 9,5%/năm. Tuy nhiên, với số tiền lớn hơn vẫn có ngân hàng đưa ra lãi suất hấp dẫn tới 10,7%/năm.
Cụ thể, 10,7%/năm là lãi suất niêm yết cao nhất tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và cũng là mức huy động cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. NamABank áp dụng lãi suất này cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12, 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ và được phê duyệt của Tổng giám đốc.
Đây không phải ngân hàng duy nhất áp dụng lãi suất trên 10%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khi gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 13 tháng, khách hàng cũng được hưởng lãi suất tới 10,1%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn điều kiện trên tại 2 ngân hàng này chỉ từ 8,4 - 8,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng và từ 7,7 - 8,5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng khi gửi tại quầy.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) vốn là 2 ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất tiệm cận mức 10%/năm hồi đầu tháng trước thì nay đã đồng loạt hạ xuống. Lãi suất cao nhất tại SCB và NCB lần lượt là 9,5%/năm cho tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12, 13 tháng hoặc gửi online từ 6 tháng và 9,45%/năm cho tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 12 đến 30 tháng.
Nhiều ngân hàng có cùng mức huy động cao nhất 9,5%/năm như: Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)...
Nhìn chung, trừ NamABank và OCB thì có tới 20 trong số 35 ngân hàng thương mại được khảo sát đang có lãi suất huy động cao nhất từ 9%/năm trở lên; trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank)...
Lãi suất không còn mức 10%/năm cho khoản tiền gửi dưới 50 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
So sánh với đầu tháng 2/2023, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh giảm phổ biến từ 0,1-0,3%/năm, nhưng cũng có kỳ hạn giảm mạnh tới hơn 1%/năm.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại OCB hiện là 5,7 - 5,9%/năm, giảm từ 0,1 - 0,15%/năm so với tháng trước. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 6 - 9 tháng tại ngân hàng này lại giảm mạnh từ mức 9 - 9,1%/năm xuống 7,7 - 7,9%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ 9,3%/năm xuống 8,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) giảm lãi suất cao nhất từ 8,7%/năm xuống 8,5%/năm cho kỳ hạn 12,13,18 tháng; lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm từ 8,5%/năm xuống 8,3%/năm.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 9 tháng giảm đồng loạt từ mức 9,2 - 9,3%/năm xuống 8,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống 9%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại Saigonbank cũng giảm 0,4%/năm xuống 9,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.
Theo các chuyên gia, lãi suất hạ nhiệt một phần do nhu cầu vốn cho vay ra đầu năm ít hơn nên việc huy động cũng sẽ không căng thẳng như hồi cuối năm trước.
Xét riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tại SCB đang hấp dẫn nhất với 9,5%/năm. Tiếp đó là BaoVietBank với 9,4%/năm, VietBank 9,3%/năm, BacABank và DongABank cùng 9,2%/năm...
Còn với kỳ hạn 9 tháng, VietBank lại dẫn đầu với lãi suất huy động 9,3%/năm. Tiếp đến là DongABank với 9,15%/năm, BacABank 9,1%/năm, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) 9,1%/năm, BaoVietBank 9%/năm...
Tương tự với kỳ hạn 6 tháng, VietBank đang huy động lãi suất tới 9,3%/năm, BacABank và DongABank cùng 9,1%/năm, Kienlongbank 9%/năm...
Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ổn định với mức 6 - 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 6 - 11 tháng và 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi online tại các ngân hàng này cũng được điều chỉnh giảm xuống tương đương với lãi suất tiền gửi tại quầy.
Không khó để nhận thấy mặt bằng lãi suất dù đã hạ nhiệt, nhưng tại nhiều ngân hàng lãi suất huy động vẫn còn neo ở mức khá cao. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, áp lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới là rất lớn nên lãi suất sẽ cần có diễn biến giảm. Tốc độ giảm có thể chậm trong những tháng đầu năm, nhưng sẽ tăng dần lên trong những tháng tiếp theo, trung bình cả năm 2023 dự báo mức giảm của lãi suất là từ 50 - 100 điểm cơ bản.
TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công Fulbright Việt Nam cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất vào tháng 5 tới và ngay cả khi Fed giữ lãi suất ở mức cao trong suốt năm 2023 thì đồng USD cũng không thể lên giá mạnh được nữa, thậm chí còn xuống giá. Như vậy, áp lực về tỷ giá với Việt Nam sẽ không còn. Đây là một trong những cơ hội tích cực để tính toán đến việc hạ lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến hết tháng 11/2022 cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng thêm gần 84.600 tỷ đồng so với tháng 10/2022 lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 42.341 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng.
Với lãi suất hiện nay, giới chuyên gia đánh giá gửi tiền ngân hàng thời điểm này vẫn là kênh đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản... còn nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!