Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) sau thời gian dài niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống đã có bước chỉnh mạnh tay. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng.
Lãi suất huy động các kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng cũng giảm 0,4%/năm so với trước, xuống lần lượt là 9,4%/năm và 9,2%/năm.
Các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), lãi suất tiền gửi tại quầy theo niêm yết mới nhất chỉ còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng thay vì mức 10,2 - 10,3%/năm trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi trực tuyến tại đây vẫn duy trì mức 9,75 - 9,8%/năm cho kỳ hạn 11 - 13 tháng.
Tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vốn được biết đến là sản phẩm huy động với lãi suất hấp dẫn nhất, từng có lúc lên đến 11%/năm, nay giảm còn 9,25%/năm.
Một sản phẩm khác của VPBank là ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm lãi suất huy động tối đa từ 9,7%/năm về còn 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) hiện niêm yết lãi suất cao nhất là 9,7%/năm cho tiền gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng, giảm 0,2%/năm so với trước.
Còn lãi suất huy động cao nhất của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) giảm từ 10%/năm về mức 9,2%/năm đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) điều chỉnh giảm đồng loạt 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Như vậy, lãi suất cao nhất tại MSB hiện là 9%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 13 - 36 tháng; 8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng.
Mới đây, trong văn bản chỉ đạo ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản nêu rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước. Mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 15/12 cho biết các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.
So với hồi cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng 3 - 4%/năm, trở về mức tương đương trước đại dịch COVID-19. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 6,1 - 8,3%/năm; lãi suất huy động tiền gửi từ 12 tháng trở lên phổ biến với mức trên 9%/năm.
Đánh giá về xu hướng lãi suất, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho rằng với diễn biến trên thế giới trong những tháng gần đây, nhất là diễn biến về chỉ số việc làm và lạm phát ở Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến dự đoán của các chuyên gia cho rằng áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ bớt trong những lần tới với mức tăng trong các lần điều chỉnh sẽ thấp hơn các bước điều chỉnh trước đây. Và nếu nhanh thì chính sách thắt chặt tiền tệ của FED sẽ kết thúc vào quý I/2023 hoặc nếu chậm cũng sẽ kết thúc trong quý II/2023, từ đó cho thấy áp lực từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam giảm bớt, áp lực giữ cân bằng lãi suất và tỷ giá VND so với các ngoại tệ khác cũng giảm. Đặc biệt, trong nước, các nguồn cung ngoại tệ như từ xuất siêu, tài khoản vốn... đều có sự cải thiện trong năm 2022. Đấy cũng là bước đệm giúp tỷ giá VND/USD có thể ổn định trong năm sau.
"Các cân đối vĩ mô của Việt Nam hiện đang thực hiện được theo đúng mức kiểm soát mục tiêu. Do đó, áp lực tăng lãi suất để giữ ổn định giá trị đòng tiền không quá cao như thời gian qua. Tôi cho rằng với mức lãi suất hiện nay có thể được duy trì và giảm từ quý III/2023 theo đúng định hướng và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước thể hiện ở những cam kết về hạ chi phí, kiểm soát lãi suất đầu vào từ mức tương đối cao hiện nay, từ đó có thể hạ và điều chỉnh lãi suất cho vay khách hàng năm 2023", bà Hương nhận định.
Lãi suất huy động đồng loạt giảm VTV.vn - Trong tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu niêm yết lãi suất huy động theo hướng đi xuống, với mức giảm khoảng 1% đối với từng kỳ hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!