Cụ thể, theo chuyên gia SSI Research, trong tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới còn lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Sau các ngân hàng thương mại nhà nước thì các ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh giảm từ 10-20 điểm cơ bản lãi suất tiền gửi các kỳ hạn, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng về mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Lãi suất gửi tiền vào ngân hàng đang ở vùng thấp nhất lịch sử (ảnh minh họa: Bloomberg)
"Vùng lãi suất tiền gửi hiện tại đã thấp hơn cuối 2019 từ 150-300 điểm cơ bản và đang là vùng thấp lịch sử" - chuyên gia SSI Research nhận xét.
Đồng thời, nhóm chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, mặc dù thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nhưng dư địa giảm thêm của lãi suất tiền gửi không còn nhiều, xu hướng ngắn hạn sẽ là đi ngang.
Đầu tháng 12 này, ba "ông lớn" BIDV, Agribank và VietinBank đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. VietinBank áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới nhất với mức giảm từ 0,1-0,2 điểm % so với biểu lãi suất trong tháng 11.
Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng ở VietinBank đã giảm về mức 3,1%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 4%/năm. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại VietinBank cũng đã hạ từ 5,8%/năm xuống còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng.
Tương tự, BIDV cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi với mức giảm lên tới 0,2 điểm %. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,1%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng còn 4%/năm và mức lãi suất cao nhất tại BIDV là 5,6%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng.
Đối với Agribank, lãi suất cho kỳ hạn 6-11 tháng là 4%/năm; 12-24 tháng là 5,6%/năm… giảm 0,2% điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Mặc dù vậy, theo thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 vừa diễn ra ít ngày gần đây thì tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi trong 10 tháng đầu năm đạt 10,65% và vẫn đang nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng.
"Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào" - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận xét.
Trong một diễn biến liên quan, dòng tiền của nhà đầu tư mới (F0) trong thời gian vừa qua vẫn đổ mạnh vào thị trường chứng khoán và đẩy thanh khoản lên cao, vượt 10.000 tỷ đồng mỗi phiên. Chỉ số VN-Index cũng đang áp sát vùng 1.030 điểm, vượt đỉnh cũ năm 2019 và tương đương vùng tháng 6/2018.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản, vượt qua đỉnh tháng 3/2018 (40.651 tài khoản) và qua đó đưa tháng 11 năm nay trở thành tháng có số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 11 là 41.080 và 123 tài khoản mở mới từ các tổ chức (cao hơn tháng trước 4.700 tài khoản).
Lũy kế 11 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 330.000 tài khoản, nhiều hơn 75% so với cả năm 2019 (gần 189.000 tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) lên tới 302.000 tài khoản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!