Nhìn chung trong 3 tháng trở lại đây, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3 - 0,7%. Mặt bằng lãi suất được nâng lên đáng kể.
Cụ thể, mức lãi suất tiết kiệm dao động từ 5,5 - 7,6%/năm, tùy từng ngân hàng. Lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng hiện đang cao hơn lãi suất gửi tại quầy từ 0,1 - 0,3%.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 2 cho thấy, tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng với 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng trước và tăng hơn 159.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
3 tháng trở lại đây, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3 - 0,7%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhiều chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trong cả năm nay cũng sẽ tăng, bởi nhu cầu vốn đang tăng lên và áp lực lạm phát cũng gia tăng.
Dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng
Lãi suất huy động tăng nhanh. Các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… bị chững lại. Vì vậy, dòng tiền đã quay sang nơi an toàn hơn là ngân hàng.
Doanh số huy động quý 1 của ngân hàng ABBank đạt 150% kế hoạch đề ra. Dòng tiền huy động tháng 4 vẫn đang tiếp tục tăng. Việc tiền gửi cư dân tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm là điều hiếm gặp, bởi đây là giai đoạn người dân thường có xu hướng rút tiền để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán và đầu tư các kênh ngắn hạn cho cả năm.
"Nếu để đầu tư thì mình phải có kiến thức nhất định và phải tìm hiểu, nên tôi cứ gửi tiết kiệm", chị Đào Huyền Sâm, Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ.
Trong năm 2021, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành ảnh hưởng tiêu cực tình hình tài chính của người dân.
Đồng thời, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán tăng trưởng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn… cũng chia sẻ một phần dòng tiền vốn dĩ được chảy về hệ thống ngân hàng.
"Với mức lãi suất gửi ngân hàng đang là 6% thì mình kỳ vọng trong tương lai lãi suất có thể cao hơn, nhưng với tình hình hiện tại mức lãi suất như vậy đã đáp ứng nhu cầu của mình rồi", chị Nguyễn Quỳnh Minh Anh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết.
Ngoài tiền gửi của dân cư, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng cao gần 60.000 tỷ đồng từ đầu năm nay, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi dành vốn cho hoạt động đầu tư khác nên tranh thủ sinh lời ở ngân hàng, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất đang gia tăng.
Mặt bằng lãi suất trước áp lực lạm phát
Khi chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng, áp lực lạm phát cũng ngày càng rõ, mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất huy động cũng sẽ có những diễn biến cùng chiều với lạm phát. Đặc biệt, lãi suất cũng là một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa lạm phát. Vậy, mặt bằng lãi suất sẽ ra sao trong thời gian tới, liệu có nhiều biến động?
Không giống như năm trước, lượng tiền gửi ở nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay đều gia tăng. Không chỉ vậy, lãi suất huy động của các nhà băng cũng nhích nhẹ. Theo nhiều chuyên gia, lãi suất và lạm phát luôn song hành với nhau. Bởi vậy, việc lãi suất đang có những điều chỉnh nhẹ cũng là điều bình thường của thị trường.
"Lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát. Do người dân vẫn mong muốn chuyển dịch kênh đầu tư nên chúng ta phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư cũng nhu doanh nghiệp", ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá.
Sự ổn định của lãi suất, nhất là lãi suất tiền gửi đang gặp phải thách thức lớn là lạm phát. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng đang được các ngân hàng hết sức cân nhắc. Do vậy, dễ nhìn thấy sự biến động về lãi suất trên thị trường ngân hàng dù có xảy ra, nhưng chỉ ở biên độ tăng rất nhẹ nhàng.
Lượng tiền gửi ở nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay đều gia tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục giữ ổn định lãi suất trong thời gian tới, nếu có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh ở mức không đáng kể. Vì thực tế dù có áp lực lạm phát, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước còn có các công cụ khác, đặc biệt là hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng đang được kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát dòng vốn đi vào nền kinh tế và các lĩnh vực theo ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tôi cho rằng chúng ta có thể vẫn giữ ổn định lãi suất trong năm nay", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên phong, nhận định.
Một lý do khác đó là khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Giá vốn cho người đi vay sẽ đắt đỏ hơn. Đây là điều cơ quan điều hành không muốn nhắm tới, nhất là hiện nay, chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế đang được triển khai rất quyết liệt.
"Việc điều chỉnh lãi suất huy động được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng nhằm đáp ứng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhưng cũng tính toán để đảm bảo không gây áp lực lãi suất cho vay đầu ra theo đúng định hướng của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, sớm phục hồi sản xuất kinh doahh", ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân, Ngân hàng TMCP An Bình, cho hay.
Rõ ràng, lãi suất đang chịu áp lực lớn từ lạm phát. Mặt bằng lãi suất có được duy trì ổn định hay nhích tăng nhẹ phụ thuộc rất nhiều vào việc kiềm chế và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!