Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã hạ nhiệt đáng kể. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ngân hàng Nhà nước giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ đầu tháng 4, bao gồm trần lãi suất huy động. Từ đó đến nay, các nhà băng đã liên tiếp điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm, với mức giảm 0,1 - 1,2%/năm. Xu hướng giảm lãi suất lan rộng ra các ngân hàng kéo mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa có bước giảm lãi suất mạnh tay nhất trong hệ thống ngân hàng tháng này khi hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng xuống còn 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn này đã giảm 1,55%/năm so với đầu tháng 4. Lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng này cũng giảm 0,45%/năm xuống còn 7,75%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 0,6 - 0,8%/năm so với biểu niêm yết cũ. Lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng không còn mức trên 8%/năm, thay vào đó lần lượt là 7,6%/năm và 7,7%/năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng.
Đối với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, Saigonbank điều chỉnh giảm 0,6%/năm xuống còn 8%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này trong tháng 5/2023.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng giảm mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng xuống còn 7,5%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước, trong khi các kỳ hạn còn lại không đổi.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn ổn định với mức cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất niêm yết là là 5,8%/năm; riêng BIDV, lãi suất huy động 9 tháng là 5,9%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đã không còn mức trên 9%/năm sau kỳ điều chỉnh này. Các ngân hàng đang huy động lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 8,8%/năm. Kế đến là một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 8,7%/năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) với 8,6%/năm...
Hiện lãi suất từ 9%/năm trở lên chỉ còn lác đác áp dụng tại một số ngân hàng với kỳ hạn tiền gửi dài trên 12 tháng. Trong đó, ABBank với lãi suất từ 9 - 9,2%/năm; OCB với 9,1%/năm, HDBank với 9%/năm...
Để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng một số điều kiện như gửi tiền bằng hình thức trực tuyến hoặc số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định của từng ngân hàng.
Như vậy từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã hạ nhiệt đáng kể. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1 - 1,7%/năm so với hồi cuối năm 2022.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 4 ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý.
Theo dự báo của giới chuyên gia, diễn biến hạ lãi suất rục rịch giảm từ quý II/2023 và càng trở nên rõ nét hơn khi bước vào nửa cuối năm. Cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại gần đây sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước như yêu cầu giảm lãi suất hay hạ trần lãi suất.
Ngày 25/4, trong cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!