Thành lập 3 đoàn kiểm tra kinh doanh xăng dầu
Hết xăng, Tạm hết xăng... là những tấm biển được treo tại một số cửa hàng xăng dầu khu vực An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai. Lý do đưa ra là do nguồn cung nhỏ giọt, không mua được từ các doanh nghiệp phân phối
Vậy, hết xăng là do xăng hết hoàn toàn, bồn chứa của doanh nghiệp trống rỗng nên không còn gì để bán, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để chờ bán với giá cao hơn?
Để làm rõ việc này, trong cuộc họp sáng 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt dấu hỏi: Các vụ, cục chuyên môn báo cáo là đủ nguồn cung, vậy tại sao lại không đến được với các cửa hàng? Phải vào tận nơi để làm rõ. Ngay lập tức, 3 đoàn công tác được thành lập để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung – Nam.
Thành phần đoàn kiểm tra gồm Tổng cục quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ pháp chế… Đoàn sẽ kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu gồm thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu găm hàng.
Chưa biết trong kỳ điều chỉnh tới, giá xăng dầu sẽ tăng hay giảm bao nhiêu, chưa biết quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng như nào sau các lần trích lập do giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp từ đầu tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, có một thực tế là giá xăng tăng thì gần như giá các mặt hàng tăng ngay, nhưng phải đến 5 lần điều chỉnh giảm của giá xăng, giá hàng hóa mới hạ nhiệt.
Ổn định giá cả hàng hóa
Tại khu vực kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, so với hồi cuối tháng 7, giá thịt đã giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Bà Vũ Thị Bích Liên, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, cho biết: "Tôi thấy thịt lợn đã hạ rồi. Người tiêu dùng thấy giá đang cao như vậy mà bây giờ hạ thì cũng thấy thoải mái hơn".
Thức ăn chăn nuôi thường chiếm 60-70% giá thành thịt lợn nên thịt giảm giá phần lớn là do thức ăn chăn nuôi bớt cao.
Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, Bắc Giang, cho biết: "Theo chương trình bình ổn giá từ Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, chúng tôi chủ động mua nguyên liệu trong nước và nhập từ nước ngoài để đảm bảo nguồn cung từ giờ đến cuối năm và không tăng giá".
Nhờ các biện pháp bình ổn, đà tăng giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã chững lại. So với giai đoạn đỉnh điểm, giá thép giờ đã giảm hơn 5 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fecon, cho biết: "Trong thời gian vừa qua, việc giảm giá nguyên liệu như dầu diezel hay giá các loại vật liệu đã giúp cho các nhà thầu như chúng tôi tiết giảm chi phí trong các dự án".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. Có đến 9/11 nhóm hàng là tăng giá, trong đó mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục gần 1,5% do vào năm học mới học phí một số địa phương tăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm giúp nhóm giao thông giảm đến hơn 5.5%, từ đó, kéo giảm CPI. Đánh giá về kết quả này, một số tổ chức quốc tế đã có nhận định:
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Việt Nam đang điều hành giá bằng mọi biện pháp có thể để giữ cho giá cả các mặt hàng từ sản phầm tiêu dùng đến các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giữa cơn bão của giá dầu, chi phí nguyên liệu bên ngoài tăng cao như vậy. Về bài toán tăng trưởng, nếu quá chú trọng cho tăng trường mà không kiểm soát được chi phí đầu vào vận hành nền kinh tế hay đồng tiền mất giá thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế.
Ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới: Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với Mỹ hay châu Âu, điều này cho thấy tỉ lệ lạm phát có thể được kiểm soát. Tất nhiên không thể hoàn toàn đứng ngoài tác động của thế giới, ví dụ như chi phí nhập khẩu tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, tuy nhiên, sự thay đổi này ở Việt Nam ít hơn nhiều so với các nước. Tôi cho rằng đây là một điểm mạnh của Việt Nam và việc tiếp tục duy trì chính sách này sẽ hỗ trợ nhiều cho kinh tế.
Theo thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,64%. Mức này chỉ bằng 1/5 - 1/6 so với mức lạm phát của nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Thế nhưng con số chỉ là thống kê, trải nghiệm của người dân mới là mục đích cuối cùng mà chính phủ hướng đến. Người dân mới là người ra chợ mua mớ rau, con cá, họ mới là những người chịu sự tác động cuối cùng của giá cả.
Tại phiên họp phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 8 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, niêm yết, kê khai giá; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm quy định pháp luật về giá. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải chủ động bảo đảm nguồn cung xăng dầu, "không được dung túng những trường hợp sai phạm"; điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Cần kiểm soát giá để không ảnh hưởng tới người nghèo, người khó khăn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 30/8 với khách mời là ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ trao đổi cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!