Chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng) gần bằng tổng thu ngân sách trong một năm.
Theo đại biểu Mai, mặc dù trong tờ trình của Chính phủ cho biết các số liệu về ngân sách khi thực hiện dự án là đảm bảo an toàn. Nhưng xuất phát từ thực trạng về những tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan của các dự án đầu tư công hiện nay, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Từ đó, đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài…
"Về an toàn nợ công đã tính đến việc tăng trần nợ vay của chính quyền địa phương ở các tỉnh thành phố được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù hay chưa?", đại biểu Dương Khắc Mai đặt vấn đề.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)
Đại biểu Mai nhấn mạnh phải làm rõ vấn đề này bởi chi ngân sách còn nhiều khoản phải chi. Ngoài chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình đề án.
Ví dụ ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong lĩnh vực đường sắt theo kế hoạch sẽ đầu tư một số tuyến kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tuyến đường sắt đô thị… Ông Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào thì tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 27 tỷ USD.
Bên cạnh đó là nhiều chương trình, dự án cần nguồn vốn hàng tỷ USD, như phấn đầu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045 hay các giai đoạn tiếp theo của sân bay Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Liên quan đến thu hút đầu tư, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo đại biểu, dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc. Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan.
Ngoài ra nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, dường bộ, đường thủy.
Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu đề nghị phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam)
Cũng nói về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 thành lập Đảng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế - xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Thoả mãn cả điều cần và đủ
Trong khi đó, tại phần thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng việc triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đã thoả mãn cả điều kiện cần và đủ.
Với điều kiện đủ, theo đại biểu Cường, hiện tỷ lệ nợ công Việt Nam khá thấp 37% là dự địa tốt để huy động thêm khoảng 67 tỷ USD. Trong vòng 10 năm khi triển khai dự án thì nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45%GDP, thấp hơn trần nợ công cho phép là 60%.
Về điệu kiện cần, Việt Nam có hình thể kéo dài, lưu thông hàng hóa và nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc Nam rất lớn, nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác do nút thắt về chi phí logistic cao.
Quy mô nền kinh tế đang trên đà tăng nhanh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc Nam trong tương lai sẽ rất lớn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
"Chúng ta cần tăng lưu thông hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Á, để giảm bớt mức độ tập trung quá lớn vào một số thị trường có tiềm ẩn rủi ro như hiện nay. Do vậy, cần phát triển tuyến đường sắt Bắc - Nam với tốc độ cao có thể kết nối liên vận với mạng lưới đường sắt các nước trong khu vực để giải quyết nút thắt về logistic và liên thông quốc tế", đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Song theo ông Cường, mặc dù rất cần thiết và đủ khả năng để đầu tư, nhưng đây là một dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước, do vậy cần phải được đánh giá rất kỹ, với góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, cụ thể.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, theo Phụ lục kèm theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy, sau thời gian dự kiến hoàn thành của Dự án (năm 2035), từ năm 2036 đến năm 2066, chi phí vận hành và bảo trì Dự án hằng năm đều ở mức trên 25.000 tỉ đồng mỗi năm và chưa rõ phương án chi trả. Vì vậy, để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho Dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!