Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 9, toàn thị trường có 1.260.000 tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang.
Từ đầu năm đến hết tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Vậy cần làm gì để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả?
Các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh
Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang đứng trước nhiều khó khăn, khối lượng phát hành giảm mạnh; có hiện tượng mua lại trước hạn (tức là trái phiếu chưa hết hạn thì doanh nghiệp phát hành mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại)… Niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhằm bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, trong tuần qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính các nội dung sau:
Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023; chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững.
Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Từ đầu năm đến hết tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Ảnh minh họa.
Hỗ trợ thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm trả đủ gốc và lãi cho nhà đầu tư - đó là những yêu cầu mới đây của Chính phủ và cả Bộ Tài chính. Qua đó, lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư và để thị trường này phát triển lành mạnh, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, những tháng gần đây hầu như không có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mới nào được phát hành. Do vậy, muốn vực lại thị trường này, trước hết các doanh nghiệp đã phát hành phải có nghĩa vụ thanh toán cả gốc lẫn lãi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, hai bên có thể ngồi lại bàn thảo cùng nhau để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc cho phép phát hành đồng bộ 2 kênh là trái phiếu công chúng và trái phiếu riêng lẻ. Bộ này dự kiến sẽ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng tiếp cận với tất cả các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kỳ hạn thanh toán sắp tới, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thanh toán đầy đủ cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho hay: "Đề nghị doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn trong thanh toán phải đàm phán với nhà đầu tư để thống nhất phương án, cơ cấu lại trái phiếu đó…".
Đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ ngành để sửa đổi Nghị định 65 theo hướng: Cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Hoãn 1 năm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
"Tại thời điểm này có thể chưa áp dụng hoặc áp dụng một phần tính chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chưa sẵn sáng trở thành chuyên nghiệp vẫn có thể tham gia vào thị trường. Như vậy mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành được trái phiếu mới, mới có nguồn thu để có thể phát triển và xử lý trái phiếu đến hạn", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói.
Trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.
Với những sửa đổi này, kỳ vọng nhiều vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ để các doanh nghiệp lại có thể phát hành trái phiếu mới một cách minh bạch, lành mạnh và an toàn hiệu quả hơn.
Rõ ràng thời điểm này các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nhiều khó khăn khi không huy động được vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, ít nhất là để trả nợ. Việc "phá băng" cần được thực hiện theo cách thức nào?
3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 công điện gồm đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cung ứng vốn cho nền kinh tế, điều này sẽ "trợ lực" thế nào cho doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Cần làm gì để nhà đầu tư bỏ tiền mua trái phiếu không còn tâm lý muốn rút tiền về ngay và xa hơn nữa là tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?
Xunh quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và bình luận với sự tham gia của Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã có những bình luận chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!