Làm gì để giữ chân nhà đầu tư ngoại?

Mai Phương-Thứ tư, ngày 15/09/2021 14:05 GMT+7

VTV.vn - Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu, theo báo cáo mới đây của Eurocham.

Trong ngắn hạn, trước những thách thức về sản xuất và yêu cầu giữ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, một số doanh nghiệp dệt may đã phải tính đến phương án tạm thời chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Theo đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, chính sách mới trong việc gỡ khó cho sản xuất sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đơn hàng lúc này.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, công suất các nhà máy chỉ còn khoảng 10 - 50%. Do vậy, môi trường kinh doanh được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là khó dự đoán.

"Trước đây Việt Nam nổi tiếng với chuỗi cung ứng linh hoạt, nhưng hiện nay một số nhà máy sản xuất ô tô tại Nhật Bản đã buộc phải dừng dây chuyền vì phía Việt Nam không thể cung cấp các linh kiện quan trọng", ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Làm gì để giữ chân nhà đầu tư ngoại? - Ảnh 1.

Trước những thách thức về sản xuất và yêu cầu giữ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, một số doanh nghiệp dệt may đã phải tính đến phương án tạm thời chuyển đơn hàng sang các nước khác. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho thấy, 18% doanh nghiệp châu Âu đã dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Hạn chế về vận tải, cung ứng cùng điều kiện thị trường đang là 2 tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến kinh doanh của nhóm này. Tuy nhiên, việc các đơn hàng rời khỏi Việt Nam theo nhận định chỉ tạm thời, không phải xu hướng.

"Tôi tin rằng không ai trong cộng đồng doanh nghiệp EU nghĩ rằng chúng tôi nên cân nhắc lại các quyết định đầu tư tại Việt Nam hay nên rời khỏi đây. Việt Nam có những lợi thế và việc thực thi EVFTA đang rất hiệu quả, nhưng đó là trong ngắn hạn. Còn nếu giãn cách phong tỏa kéo dài 3 - 4 tháng và những vấn đề rào cản sản xuất vẫn lặp lại, chúng tôi sẽ rất khó để thuyết phục rằng Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong việc đầu tư", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nhận định.

"Hai yếu tố quan trọng là kiểm soát dịch và độ phủ vaccine. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất mong đợi việc thực thi Nghị quyết 105 của Chính phủ. Kế hoạch chi tiết ra sao nên được các địa phương công bố cụ thể và càng sớm càng tốt. Vì chúng tôi mong muốn thấy được tác động thực sự của chính sách", ông Hirai Shinji cho biết thêm.

Nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, hồi phục trong quý 4 là mục tiêu khá tham vọng. Để giải bài toán kinh doanh của những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần một lộ trình rõ ràng cho biện pháp kiểm soát dịch và sản xuất. Môi trường kinh doanh khó dự đoán có thể trở thành trở ngại lớn nhất trong giữ chân nhà đầu tư.

Doanh nghiệp kiên trì khơi thông chuỗi logistics Doanh nghiệp kiên trì khơi thông chuỗi logistics

VTV.vn - Từng doanh nghiệp, địa phương đang tích cực triển khai giải pháp kết nối từ vùng nguyên liệu tới nhà máy và cảng biển để chuỗi logistics không bị đứt đoạn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước