Theo một báo cáo phân tích vừa được công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies công bố, giá thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu leo thang đang tạo ra gánh nặng tài chính ngày càng lớn cho các hộ gia đình Nhật Bản.
Các phân tích của Mizuho cho thấy, sức chịu đựng của các hộ gia đình Nhật Bản đã giảm rõ rệt từ nửa cuối năm tài chính 2021 khi giá dầu tăng mạnh. Cùng với đó là xu hướng cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống và đồ gia dụng.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Nhật bản cần sớm có giải pháp hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp vượt qua tác động của việc tăng giá thực phẩm và nhu yếu phẩm, từ đó bảo vệ hoạt động tiêu dùng cá nhân - một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.
Các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức mục tiêu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra trong tháng thứ 2 liên tiếp.
Theo Chính phủ Nhật Bản, lạm phát tăng cao chủ yếu do giá năng lượng và hàng hóa tăng, cùng với đó là sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây ra áp lực cho các hộ gia đình. Giá tiêu dùng tăng cao tạo áp lực cho BoJ trong việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Hiện BoJ vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Hiện lãi suất ngắn hạn tại Nhật Bản ở mức - 0,1%.
Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục giữ lãi suất đi vay ở mức "hiện tại hoặc thấp hơn" nếu lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu mà ngân hàng đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!