Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô: Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức
Một chiếc ô tô made in Vietnam, cụ thể là dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, theo Bộ Công Thương, hiện mới chỉ có khoảng 10% là thực sự do Việt Nam sản xuất. 10% đó thường là săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy hay 1 số chi tiết nhựa, còn những cấu phần mang công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hay hệ thống truyền động, thì hầu như chưa thể làm được.
Nếu so với tỷ lệ nội địa hóa trung bình các nước trong khu vực lên tới gần 70%, thậm chí Thái Lan là 80%, con số 10% của Việt Nam còn quá khiêm tốn.
Theo Toyota, giá thành linh kiện sản xuất tại Việt Nam cao hơn 2-3 lần so với khu vực.
Cần rất nhiều tiền là thách thức với doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Khu tổ hợp sản xuất đã tiêu tốn của Vinfast 3,5 tỷ USD và vẫn còn tiếp tục tăng lên. Tại đây, có tới 30% quỹ đất, tương đương 70ha, dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa tới 60%.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng Giám đốc VinFast, cho biết: "Để đạt tỷ lệ đó, Vinfast phải chủ động, tự thành lập ra các nhà máy, tự sản xuất, nỗ lực mời gọi đối tác. Nhiều khi họ cũng muốn mình cam kết liên doanh. Câu chuyện là đầu tư của Vinfast vẫn cực kỳ lớn".
Theo Toyota, giá thành linh kiện sản xuất tại Việt Nam cao hơn 2-3 lần so với khu vực. Do đó, ngay cả khi chi phí nhân công tại Việt Nam được đánh giá ở mức cạnh tranh hơn, chiếc xe sản xuất nội địa vẫn có chi phí sản xuất cao hơn 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia.
Ông Hiroyuki Ueda, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi cho rằng sẽ cần một nhóm các chính sách toàn diện, đồng bộ, trước tiên là duy trì thị trường tăng trưởng ổn định. Thứ 2 là có chính sách bù đắp cho phần 10-20% chi phí chênh lệch so với khu vực. Cuối cùng, cần có chính sách đẩy nhanh nội địa hóa với các linh kiện thép và nhựa cỡ trung bình".
Còn ông Keisuke Tsuruzono, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, chia sẻ: "Để tăng cường nội địa hóa, chúng tôi vẫn gặp phải khó khăn về công nghệ, điển hình như việc lắp ráp động cơ tại Việt Nam. Nếu có chính sách hỗ trợ các phụ tùng sản xuất trong nước, dù có giá trị thấp, đây sẽ là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghiệp ô tô trong tương lai".
Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 vừa qua, không ít hãng xe có những tháng sụt giảm doanh số trên dưới 50%. Ngành công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi sản lượng lớn, trong bối cảnh dung lượng thị trường Việt Nam vốn đã khiêm tốn, chính là ngành dễ chịu tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng này.
Làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa những chiếc xe made in Vietnam?
Nếu Việt Nam hiện mới có khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện, con số này ở Thái Lan cao gấp 10 lần. Thiếu và yếu chính là lý do dẫn tới khoảng cách về chi phí sản xuất cao hơn 10-20% của một chiếc ô tô made in Việt Nam so với với ô tô cùng loại trong khu vực.
Bản thân nội tại mỗi doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phải tự vững đã đành, nhưng kèm với đó vẫn phải là sự hỗ trợ từ những chính sách kịp thời từ cơ quan quản lý. Bên cạnh mức giảm 50% phí trước bạ đã được Chính phủ quyết nghị mới đây, kiến nghị miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô cũng đang được đặc biệt quan tâm.
Làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa của những chiếc xe made in Vietnam từ 10 lên đến 30%, thậm chí là 60% như mục tiêu đề ra của doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt? Câu hỏi không chỉ dành riêng cho từng doanh nghiệp Việt, cho cả ngành công nghiệp ôto trong nước mà còn phụ thuộc cả vào những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
Lượng xe nhập khẩu vẫn tăng liên tục trong những năm qua, gây áp lực với xe sản xuất nội địa. Riêng năm ngoái đạt hơn 140.000 chiếc, tăng tới gần 70% so với năm trước. Trong khi đó, 70% số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam lại dựa vào nguồn linh kiện nhập.
Nếu tiếp tục xu hướng nhập khẩu như hiện nay, doanh nghiệp Việt vẫn chỉ đứng ở một chỗ rất nhỏ trên những chiếc xe ô tô made in Vietnam và người Việt vẫn tiếp tục phải đi xe đắt đỏ hơn so với người dân các nước trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!