Một điện thoại thông minh, một vài phần mềm chỉnh sửa như Adobe và vô số những ứng dụng kết nối giao tiếp từ xa như Facebook, Zoom, Slack, các chương trình truyền hình đã lên sóng như vậy ngay trong mùa dịch.
Dịch COVID-19 hình thành văn hóa làm việc từ xa và thay đổi quan niệm người làm công ăn lương phải đến văn phòng. 95% nhân sự ví điện tử Momo, tương ứng hơn 750 người, tuần qua làm việc tại nhà. Doanh nghiệp khẳng định, khối lượng công việc sẽ được đảm bảo như cũ do đã có phương án chuẩn bị cho tình huống này cách đây nhiều tháng.
Với những ngành không thể để làm việc từ xa toàn bộ, doanh nghiệp cũng áp dụng các biện pháp cho phép khối văn phòng làm tại nhà hay chia nhân sự thành 2 nhóm để làm việc luân phiên, đảm bảo tỷ lệ nhân sự không cần đến văn phòng ở mức từ 30 - 50%.
Điều quan trọng nhất đế áp dụng thành công phương thức lao động này là tư duy quản lý theo cách từ xa và ý thức kỷ luật của từng cá nhân. Còn công cụ thì không hề thiếu. Nói cách khác, COVID-19 đang tạo tiền đề cho chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Thực tế trên thế giới, với một số ít quốc gia và tập đoàn lớn, làm việc từ xa không còn là phương thức đối phó mang tính tình thế mà đã trở thành lựa chọn chuyển đổi số. Vì họ nhận ra lợi ích đối với nhân viên, với xã hội và môi trường.
Nhưng có người đặt câu hỏi dù hiệu quả nhưng có phải ai cũng làm từ xa thành công? Chuyển đổi phương thức lao động sang làm việc từ xa không nên xem là một trào lưu hay xu hướng theo "trend". Có 2 yếu tố quan trọng phải cân nhắc đó là tính chất, ngành nghề có phù hợp hay không và với nhân sự, không phải ai cũng có thể có tố chất phù hợp để làm việc từ xa. Thực tế tại Mỹ đã chứng minh, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tất cả nhân viên của mình làm việc toàn thời gian trực tuyến, kể cả đó là những doanh nghiệp lớn về công nghệ.
Với làm việc từ xa, cách tiếp cận của doanh nghiệp nên là tỉnh táo, xem COVID- 9 trước tiên là một phép thử trong thực tế. Sau khi hết dịch, sẽ định hình cách làm việc theo hướng phù hợp nhất chứ không nhất nhất phải chuyển đổi hẳn phương thức lao động. Vì để làm từ xa thành công, ngoài ý chí và tư duy, còn phải giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, hay bảo mật thông tin doanh nghiệp.
Ngay bản thân các công ty hoạt động theo mô hình nền tảng dựa trên công nghệ cũng không hoàn toàn muốn chuyển đổi sang hình thức từ xa, vì các nền tảng này đang nắm trong tay một lượng rất lớn dữ liệu người dùng, nguy cơ lộ, lọt khi làm việc phân tán nhiều nơi là rất cao.
Tại Việt Nam, hoạt động của các nền tảng lớn như Grab, Be, hay Now nổi bật không phải là thích nghi từ nội bộ, mà là thích nghi với thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các nền tảng này nhanh nhạy bổ sung thêm trong hệ sinh thái những dịch vụ hợp với mùa dịch.
Dù phải dừng hoạt động mảng chính là vận tải, nhưng Grab và Be hay Now với lợi thế công nghệ phân tích hành vi tiêu dùng, ngay lập tức ra mắt các dịch vụ đi chợ thuê hay đi siêu thị trên ứng dụng. Người dùng không cần ra ngoài, nền tảng phát triển thêm được tính năng, còn đối tác liên kết có khách hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!