Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm nay đã thiết lập kỷ lục mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn đạt tới 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục cao bất thường về thu hút FDI này một mặt thể hiện môi trường kinh doanh trong nước đã có nhiều cải thiện tích cực. Nhưng mặt khác cho thấy, một làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam để tránh những biến động phức tạp của thương mại toàn cầu.
Trong 5 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư có số vốn FDI được cấp mới lớn nhất tại Việt Nam với hơn 1,56 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng số vốn đăng ký cấp mới. Nhiều công ty đa quốc gia như LG Electronics, Compal Electronics, Toshiba… cũng thay đổi chuỗi sản xuất cung ứng, chuyển sang áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" với việc dịch chuyển dần nhà máy sang Việt Nam hay các nước khác trong ASEAN. Do vậy, dự báo FDI vào Việt Nam sẽ vẫn tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng điều này cũng khiến Việt Nam phải thận trọng.
Việc đón nhận làn sóng đầu tư là tín hiệu tốt cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nó cũng tạo thách thức về khả năng hấp thụ các dòng vốn FDI, chất lượng đầu tư, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nguy cơ bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... Điều này cho thấy, đã đến lúc Việt Nam cần phải tính đến việc không phải đón nhận làn sóng FDI bằng mọi giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!