Vườn phật thủ nhà anh Nguyễn Quang Định (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có diện tích 1,5 ha. Thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng phật thủ quả bắt đầu chín vàng thì vườn nhà anh quả vẫn xanh.
Anh Định cho biết, để nâng giá trị của quả phật thủ, tránh tình trạng dội hàng vào tháng Tết, mấy năm gần đây, anh và một số hộ trong vùng đã áp dụng khoa học kỹ thuật, xử lý cho hoa ra muộn hơn để phật thủ luôn cho trái xanh đẹp, bán được quanh năm.
Toàn xã Đắc Sở có hơn 1.000 hộ thì có tới 600 hộ trồng phật thủ. Ông Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở cho biết, nếu như trước đây trái phật thủ chỉ tiêu thụ được ở phía Bắc mà chủ yếu là ở Hà Nội thì nay, loại quả này đã được mở rộng thị trường đến tận miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Năm 2016, lần đầu tiên, phật thủ Đắc Sở đã có mặt tại thị trường Singapore.
Theo lãnh đạo xã Đắc Sở, từ chỗ diện tích chỉ khoảng 20ha năm 2010, đến nay toàn xã Đắc Sở có khoảng 250 ha trồng phật thủ. Nhiều người dân xã Đắc Sở đã thuê đất vùng bãi ở huyện khác để mở rộng diện tích. Nhiều hộ giàu lên nhờ phật thủ, thu nhập lên tới 1 tỷ đồng/năm.
Cũng theo lãnh đạo xã Đắc Sở, với diện tích 250ha, dự kiến năm nay, các hộ trồng phật thủ sẽ đưa ra thị trường 2 triệu quả. Do thị trường được mở rộng nên giá sẽ cao hơn năm 2017 khoảng 30%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!