Trong Luật đất đai 2024, quy định thời gian bảng giá đất mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026. Điều này sẽ giúp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành cả nước có thời gian nghiên cứu thật kỹ để điều chỉnh đưa ra một bảng giá đất sao cho phù hợp, cũng như giúp người dân, nhà đầu tư có thêm thời gian chuẩn bị cả về tâm lý, lẫn tài chính đáp ứng quy định mới. Dù còn nhiều băn khoăn về bảng giá đất mới, nhưng có thể thấy, đây là chính sách thực sự rất cần thiết, đảm bảo sự phát triển lành mạnh hơn nữa của thị trường bất động sản.
Xây dựng quy trình ban hành bảng giá đất mới là một lộ trình không thể đảo ngược. Và việc ban hành một bảng giá sát hơn với giá thị trường là điều mà các chuyên gia hết sức ủng hộ. Bởi Nhà nước sẽ thông qua công cụ thuế phí cao hơn sẽ giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong thời gian tới khi hạn chế được những hoạt động đầu tư đất đai mang tính chất đầu cơ hoặc những chủ đầu tư yếu kém về năng lực.
Bảng giá đất tăng sẽ giúp cho người dân trong các khu quy hoạch, dự án đầu tư được hưởng lợi khi giá đền bù sẽ tăng. Điều này ngược lại sẽ làm chi phí đền bù giải toả mặt bằng của các dự án tăng lên. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn, chính sách này lại cũng có lợi cho doanh nghiệp liên quan đến chi phí cơ hội, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Khi chi phí cao - lợi nhuận không còn quá hấp dẫn, sẽ giúp giảm tình trạng đầu tư chờ tăng giá, bỏ hoang đất đai
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group cho biết: "Thứ nhất chúng ta sẽ đẩy nhanh được vấn đề giải toả đền bù, thứ hai nữa là hàng năm chúng ta ban hành bảng giá đất theo giá thị trường thì rõ ràng nó thúc đẩy tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án đặc biệt trong khâu tính tiền sử dụng đất. Và đây tôi cho rằng là nút thắt lớn nhất trong thời gian vừa qua".
Ngoài ra, ở góc độ đầu tư, việc bảng giá đất tăng kéo theo chi phí đầu vào của các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng. Theo tiến sĩ Dương Kim Thế Nguyên, khi chi phí cao - lợi nhuận không còn quá hấp dẫn, sẽ giúp giảm tình trạng đầu tư chờ tăng giá, bỏ hoang đất đai, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua.
TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế Luật và Quản lý Nhà nước UEH nêu ý kiến: "Và về lâu dài, nó sẽ trả đúng về giá trị của thị trường, nó dẫn tới hệ quả là chỉ có những người nào thực sự có nhu cầu về đất đai thì họ mới đầu tư vào bất động sản. Còn những người thực sự không có nhu cầu họ sẽ cân nhắc bởi vì lợi nhuận từ bất động sản có thể không còn nhiều như thời gian trước đây nữa".
Là một nhà đầu tư, tư vấn lâu năm trên thị trường bất động sản, ông Trần Khánh Quang cho biết, hiện nay nhu cầu người dân về chuyển đổi đất nông nghiệp lên thổ cư và đi săn mua đất thổ cư đang tăng. Điều này đang vô hình chung tạo khan hiếm "giả" về nguồn cung đất thổ cư trong tương lai, cũng như giá không phản ánh đúng cung cầu thực tế, gây khó cho việc tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa nhận định: "Chúng ta mới xử lý một vế về đầu cơ bất động sản, về chênh lệch địa tô. Tuy nhiên, song song với bảng giá đất đó chúng ta phải có chiến lược phát triển nhà ở quốc gia liên quan tới đa số người dân vì hiện tại 80% người có nhu cầu mua nhà nhưng không có khả năng mua nhà".
Trong giai đoạn chuyển tiếp luật này, theo các chuyên gia, các tỉnh thành cũng cần xây dựng bảng giá đất tăng dần theo lộ trình, nghĩa là mức tăng này nên được chia ra và áp dụng thành nhiều lần để người dân, nhà đầu tư dần dần thích nghi với quy định mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!