"Tay trắng" quay về bản làng
Một trong những vấn đề được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là giải pháp cho 1,3 triệu lao động về quê. Tại các địa phương, hàng ngày vẫn có nhiều lao động tiếp tục trở về. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi làm việc với các tỉnh phía Nam, khoảng 30% lao động có nhu cầu quay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển địa bàn khác, còn lại phần đông muốn ở lại quê và tìm công ăn việc làm.
Đáng chú ý, trong số hơn 1,3 triệu lao động về quê đợt này, có hàng trăm nghìn lao động quê ở miền núi, vùng cao…, không tay nghề, không hợp đồng.
Lương Văn Linh (lao động trở về từ Bình Dương) về được hơn 1 tháng và bắt đầu quen trở lại với ruộng vườn. Với nhiều lao động vào Nam cùng xã, chuyến đi làm xa năm nay thiếu may mắn.
"Đi cũng dở, ở cũng không xong" là tình cảnh của hàng trăm nghìn lao động vùng cao "quẫn bách" khi trở về quê.
Linh vào một xưởng đóng thùng ở Bình Dương với mức lương 250.000 đồng/ngày từ tháng 3. Mới làm 2 tháng thì dịch, xưởng cho nghỉ việc, Linh tiêu hết lương vì ở trong vùng giãn cách. Để chồng trở về, vợ của Linh đã phải bán 3 con lợn để trả tiền xét nghiệm và thuê xe về.
"Công ty đóng cửa, người ta cho nghỉ và phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Trong 14 ngày mình tự túc hết", anh Lương Văn Linh chia sẻ
Trắng tay khi trở về là tình cảnh của hàng chục lao động ở bản Mọi. Sau cách ly, Khánh (lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh) chỉ loanh quanh ở nhà giúp bố dọn vườn Keo. 21 tuổi, đã 3 năm đi vào Nam làm, nhưng Khánh không tích lũy được đồng nào.
"Em vào trong đấy làm cốt pha, nhưng do dịch bệnh nên phải về", anh Vi Văn Khánh cho hay.
Sau 4 ngày đêm chạy xe không ngừng, không nghỉ từ Bình Dương, Cơ (lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh) trở về nhà với mẹ già và 3 đứa con. Tài sản duy nhất của Cơ là chiếc xe máy mang từ miền Nam về. Khi vào Nam đi làm được 20 ngày thì dịch, Cơ mừng vì an lành về gặp mẹ già và các con.
Với các lao động trong bản, chỉ là trắng tay trở về, với Cơ, người vợ theo chồng vào Nam cắt đứt mọi liên lạc với anh và các con.
"Do dịch nên em xin về, về nhà cách ly được 1 tháng. Hiện em cũng không biết làm nghề gì", anh Lê Văn Cơ bày tỏ.
Ai trở về cũng mong muốn làm gì đó để trang trải cuộc sống, nhưng ở vùng cao này, khó tìm được việc, đi cũng dở, ở cũng không xong.
Tạo việc làm nhanh và ổn định
"Đi cũng dở, ở cũng không xong" là tình cảnh của hàng trăm nghìn lao động vùng cao "quẫn bách" khi trở về quê. Lao động quê ở vùng đồng bằng, không khó để tìm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương, nhưng với hàng trăm nghìn lao động ở miền núi, hầu hết là lao động phổ thông, không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động, trở về địa phương là một áp lực lớn đối với công tác dạy nghề, tìm việc làm cho họ.
Giải quyết việc làm, sinh kế khi người lao động đã trở về quê đang là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, bên cạnh các gói an sinh hỗ trợ. Với các vùng khó khăn, miền núi, tạo việc làm tại chỗ nhanh và ổn định sẽ góp phần giải tỏa áp lực dư thừa lao động.
"Chưa có dịch, bà con có thể đi làm ở các nhà máy, các tỉnh khác, miễn rằng nơi nào có thu nhập cao, lao động sẽ đến đó, nhưng giờ không phải như vậy nữa, mà người lao động đã trở về địa phương. Ngày trước, chúng tôi có cơ cấu phát triển thương mại, công nghiệp, chuyển dịch dần, giảm bớt tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay, chúng tôi phải chuyển đưa giá trị nông nghiệp lên cao hơn, bởi vì chúng tôi có dư địa", ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, Nghệ An, nói.
Trong khi đó, PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cần làm thế nào để người lao động có thể thích ứng được với những thay đổi của đại dịch COVID-19. Những thay đổi về sản xuất trong môi trường mới, cũng như tạo điều kiện cho họ có thể chuyển đổi việc làm cho phù hợp với năng lực, phù hợp với điều kiện, địa phương mà họ lựa chọn ở lại hay trở lại thành phố.
Còn theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ngày nay chúng ta đang muốn phát triển một nền kinh tế, đa dạng hóa, địa phương hóa, do đó nguồn nhân lực trở về địa phương là một cơ hội rất lớn cho địa phương.
Việc làm là an sinh cho lao động về quê
Nhiều huyện miền núi đang đối mặt với tình trạng dư thừa lao động. Ngay từ khi các dòng người trở về, cùng với việc lên kế hoạch đón tiếp, xét nghiệm, một số địa phương đã chủ động lên kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm cho các lao động này.
Xã biên giới Môn Sơn, Nghệ An, có 457 lao động trở về trong đó có 31 người Đan Lai, phần lớn đều trắng tay khi tới nhà. Nhu cầu vay vốn dần tăng cao trong 2 tháng qua khi phần lớn họ xác định ở lại.
Bình (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) quyết định sau Tết sẽ tính quay lại phía Nam để tìm việc. Anh đã đóng hơn 5 năm bảo hiểm xã hội nên không muốn bỏ. Nếu chưa đi, thì anh vay vốn để chăn nuôi, cứ có việc để làm là yên tâm.
"Tiền này em dùng để làm kinh tế, mua vịt, mua gà về nuôi, trang trải tiền lãi suất", anh Vi Văn Bình chia sẻ.
Hầu hết lao động đều có nhu cầu vay vốn để đầu tư vào vườn rừng, chăn nuôi.
Trở về từ Bình Dương, vợ chồng Vi Văn Thành (xã Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) may mắn còn tích lũy được một ít vốn để thực hiện mong ước làm trang trại.
Được vay vốn chính sách 50 triệu đồng, trên diện tích vườn rừng 5ha bố mẹ cho, Thành làm mô hình chăn nuôi cùng lúc cả dê, bò, dúi, gà, thỏ... Có việc làm, sản phẩm bắt đầu có đầu ra, vợ chồng Thành xác định gắn bó với quê nhà, không đi làm xa.
Từng lao động trở về đều được chính quyền địa phương và ngành chức năng tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu việc làm. Hầu hết trường hợp đều có nhu cầu vay vốn để đầu tư vào vườn rừng, chăn nuôi.
Như anh Lương Văn Quý (xã Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) đã nhanh chóng được hỗ trợ vay vốn chính sách 40 triệu đồng để mua thêm con bò, vỗ béo tốt rồi bán, anh sẽ tiếp tục mở rộng đàn bò.
"Nắm bắt, rà soát đối tượng vay, trong đó có những khách hàng, hộ dân đáp ứng điều kiện, có nhu cầu vay vốn thì bố trí nguồn lực để giải ngân kịp thời, đảm bảo cho những trường hợp vay vốn có vốn để làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của mình", Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Vinh cho biết.
Dịch bệnh đã tạo ra một cuộc cuộc dịch chuyển lao động lớn chưa từng có, biến nguy thành cơ. Nhìn theo hướng tích cực, nếu các địa phương biết tận dụng được tay nghề và kinh nghiệm của những người lao động trở về quê thì họ hoàn toàn có thể trở thành một nguồn lực quý giá đóng góp xây dựng chính quê hương mình. Nhất là tại địa phương có nhiều nghề phụ, hay có các khu công nghiệp, tạo việc làm ngay tại quê nhà nếu tìm được giải pháp sẽ có lợi cho cả lao động và địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!