Vẫn còn có sự lệch pha cung cầu về nhà ở thương mại
Bộ Xây dựng cho hay, hiện thị trường bất động sản đang có biểu hiện lệch pha cung - cầu là do các doanh nghiệp bất động sản hầu hết đầu tư vào dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, phục vụ cho đối tượng có thu nhập cao.
Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, số liệu thống kê của Sở Xây dựng chỉ rõ, riêng quý I vừa qua, tỷ lệ nhà ở cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm đến 59%, tỷ lệ nhà ở trung cấp chiếm khoảng 41% và không còn căn hộ giá bình dân trên thị trường.
Trong khi nhiều căn hộ trung - cao cấp đang thừa, căn hộ bình dân, giá thấp đang khan hiếm. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Còn tại Hà Nội, đa số dự án mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/m2, tập trung nhiều tại các quận ven nội đô. Ngay như nhà ở thương mại giá bình dân tại Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội) hiện nay cũng không còn mức giá 20 triệu đồng/m2.
Gỡ "nút thắt" để phát triển nhà ở thương mại giá thấp
Để giải bài toán thiếu hụt nguồn cung, cách đây 1 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84 và giao Bộ Xây dựng xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng như: được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng… Tuy nhiên, những đề xuất này vẫn chưa đi vào được thực tiễn.
Theo ý kiến của Bộ Tư pháp, các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Trong khi đó, Nghị quyết của Chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành. Đơn cử như Điều 110, Luật Đất đai quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp, nhưng lại "trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại".
"Mong muốn được luật hóa để kiện toàn toàn bộ các khâu từ lựa chọn nhà đầu tư đến việc được miễn giảm, giãn nộp tiền sử dụng đất cũng như là được giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp", Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô Capital House Trần Công Tưởng chia sẻ.
Tại Hà Nội, đa số dự án mới được đầu tư xây dựng thuộc phân khúc trung cấp và có giá bán dao động từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/m2. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Đời sống của một tòa nhà chung cư có thể lên tới cả trăm năm, do vậy theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là phải có quy hoạch, cơ cấu nhà ở dành cho các phân khúc giá khác nhau để khi có sự thay đổi về thu nhập dẫn đến sự luân chuyển về dòng người. Điển hình như nhưng người mới bước vào cuộc sống, thu nhập chưa cao, họ sẽ lựa chọn loại nhà thương mại có giá thấp, đến khi có tích lũy, họ sẽ chuyển đến những khu vực tiện nghi và giá cao hơn.
"Ví dụ Hà Nội muốn phát triển nhà ở có giá trị thấp cho người lao động, chúng ta hãy quy hoạch phần lớn ở khu vực quận Hoàng Mai, sát nội thành, nhưng lại không phải là khu vực quá phát triển. Nó không tạo ra giá trị cao. Chỉ khi nào chúng ta tạo ra bất động sản giá trị không cao, nhưng đáp ứng nhu cầu của người lao động bình thường, thì khi đấy người dân mới có khả năng tiếp cận được", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định.
"Thuận lợi nhất là chủ đầu tư nhận bàn giao quỹ đất sạch, chi trả cho nhà nước tiền hạ tầng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể bố trí quỹ đất sạch theo từng khu vực cụ thể, sau đó kêu gọi nhà đầu tư tham gia theo hình thức đấu thầu công khai", Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản cho hay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị được vay vốn với lãi suất 7 - 8% mỗi năm. Mức này cao hơn 2 - 3% so với mức lãi suất nhà ở xã hội nhưng vẫn thấp hơn lãi suất hiện áp dụng để cho vay đầu tư bất động sản trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!