Trên thế giới hiện nay có gần 200 loại tiền giấy của các quốc gia và vùng lãnh thổ được lưu hành, trong đó có bộ tiền giấy của Việt Nam. Những bộ tiền Việt với hình tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hình ảnh điển hình đất nước và con người Việt Nam đã cho thấy phần nào sự phát triển của hệ thống tài chính nước nhà.
Sau cách mạng tháng 8, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một nền tài chính kiệt quệ, nay Chính phủ có một Nhà máy sản xuất ra những đồng tiền độc lập đầu tiên.
Một trong những tờ bạc đầu tiên có mệnh giá 100 đồng in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bố cục, đường nét, hoa văn trên các bộ tiền Việt Nam thay đổi theo từng thời kỳ nhưng đều diễn tả chất lãnh tụ trong chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Không những là tiền mà nó còn là những tờ truyền đơn cách mạng cùng với toàn dân giải phóng đất nước", họa sỹ Trần Tiến - nguyên Trưởng Phòng Thiết kế mẫu tiền, Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Trên các tờ tiền Việt Nam những biểu tượng được chọn in như hoa sen, hoa văn trên các mẫu chạm khắc ở đình chùa cũng như đề tài về khối đoàn kết công - nông - binh trí hoặc khối thống nhất Bắc - Trung- Nam đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam cho biết: "Chúng ta cũng có những chuyên gia thực sự là những người thiết kế tạo ra đồng tiền đó, cộng với sự đầu tư về khoa học công nghệ và quan trọng nữa là việc tổ chức quản lý, đấu tranh để bảo vệ giá trị đồng tiền".
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1951 nhưng đến năm 1991 Việt Nam mới hoàn toàn tự chủ về in tiền từ nguyên liệu cho đến công nghệ. Từ năm 2003 - 2006, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành, lưu thông 6 mệnh giá tiền Polymer, từ 10 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng với công nghệ hiện đại nhằm góp phần chặn đứng được nạn tiền giả.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiệt - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh kinh tế, Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho hay: "Tiền giả xuất hiện ở các đồng Polymer giảm hẳn so với giấy cotton. Người tiêu dùng phát hiện tiền giả trên Polymer dễ dàng hơn".
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, do làm chủ được công nghệ với mục tiêu đảm bảo an ninh tiền tệ, nên trong giai đoạn 2004 - 2011, tổng số tiền giả polymer thu giữ chỉ bằng 24% tổng số tiền giả cotton thu giữ trong giai đoạn 1997 - 2004.
"Chi phí sản xuất một tờ Polymer thường cao hơn gấp 2 lần so với tiền cotton thông thường. Tuy nhiên, tuổi thọ của tiền Polymer lớn hơn khoảng 2,5 - 4 lần, do vậy chi phí thành tiền giảm xuống", ông Nguyễn Văn Toản - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia nói.
Lịch sử phát triển những tờ tiền của Việt Nam đã phần nào cho thấy chặng đường phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam ngày càng hiện đại, hòa nhập với xu hướng phát triển của thế giới vừa bảo đảm được an ninh tiền tệ của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!