Liên kết để tăng giá trị nông sản

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/09/2023 11:01 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi sản xuất, thông qua tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi của một số địa phương nhằm giúp gia tăng giá trị nông sản.

Kết quả sản xuất 8 tháng qua, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều yếu tố tích cực lấn át những khó khăn về thị trường, biến đổi khí hậu. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 33 tỷ USD. Cán cân thương mại của ngành đạt thặng dư hơn 6,7 tỷ USD, tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi đảm bảo song song 2 mục tiêu là an ninh lương thực và xuất khẩu.

Ở cấp độ địa phương, tại nhiều tỉnh thành, cùng với các lĩnh vực khác, kinh tế nông nghiệp cũng đóng vai trò chủ lực đối với tăng trưởng giá trị sản phẩm trên địa bàn.

Một ví dụ như tại Đồng Nai, trong nửa đầu năm nay, nông nghiệp là lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao thứ 2 của địa phương, khi chiếm 9,5% tỷ trọng tổng giá trị sản phẩm của tỉnh. Đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi sản xuất, thông qua tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi của địa phương nhằm giúp gia tăng giá trị nông sản.

Ngay khi phía Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu sầu riêng phải có mã vùng trồng, một mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất đã được hình thành giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Doanh nghiệp cam kết bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn thị trường. Đổi lại, nông dân sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

"Thứ nhất là hàng hóa mình bán ra nó ổn định, thứ hai là giá nó tốt hơn vì giờ hàng hóa của mình đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác trên thế giới", ông Võ Văn Tùng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai cho biết.

Liên kết để tăng giá trị nông sản - Ảnh 1.

Nông dân Đồng Nai phấn khởi thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN)

Thay đổi phương thức sản xuất, Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản đánh dấu sự hoàn chỉnh của chuỗi liên kết.

Tiết kiệm được chi phí sản xuất từ đó sản phẩm có giá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại, 400 chuỗi liên với đủ các thành phần đã giúp giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Đồng Nai đạt gần 24.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: "Mỗi một bộ phận họ sẽ có một cái thế mạnh thì chúng ta sẽ tập trung vào những cái đó để chúng ta ghép lại với nhau thành một mảng cùng nhau phát triển. Như vậy chúng ta mới tạo được lợi thế cạnh tranh cho thị trường cho sản phẩm".

Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: "Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các cụm công nghiệp bảo quản chế biến sâu trong sản phẩm, Sở Công Thương triển khai công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, địa phương thì xây dựng vùng trồng, mã vùng trồng, xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa khác".

Là tỉnh công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đóng tỉ trọng hơn 10% trong cơ cấu kinh tế, các chuỗi liên kết của Đồng Nai hàng năm cung cấp hơn 25.000 tấn nông sản ra thị trường ở dạng sản phẩm tươi sống.

Nghị quyết 143 về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà Đồng Nai đang thực hiện kỳ vọng đến năm 2025, khoảng 50% giá trị của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đến từ hình thức hợp tác, liên kết.

Kinh nghiệm hỗ trợ để liên kết đi xa

Việc liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu... là yêu cầu bắt buộc để thoát khỏi tình trạng sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ có liên kết mới giúp sản phẩm đi được xa, có được nhiều hàng hóa lớn, có tên tuổi vững chắc và cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.

Tuy nhiên, để nông dân, hợp tã xã, doanh nghiệp... không bị đứt gãy chuỗi thì hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc đầu ra cũng là yếu tố quyết định để chuỗi phát triển bền vững.

Liên kết để tăng giá trị nông sản - Ảnh 2.

Trồng đủ các loại từ xoài, bơ, sầu riêng, điều, khi không tiêu thụ được phải chặt bỏ, chặt bỏ xong lại trồng sang cây mới, khiến ông Lê Mỹ Nô (xã Suối Cát, Xuân Lộc, Đồng Nai) không yên tâm sản xuất.

Dù giá cả không tăng đột biến như những cây trồng khác, nhưng 5 năm nay, ông Nô lai phấn khởi chăm sóc vườn ca cao vì được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư hệ thống tưới. Đặc biệt được bao tiêu đầu ra do tham gia liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Thiếu tính bền bững của chuỗi đang là thách thức khiến vai trò chuỗi liên kết bị hạn chế, thậm chí đứt gãy. Chú trọng sản xuất chuỗi gắn với chế biến sâu, gắn với nhu cầu của thị trường nhằm nâng tỷ nông nghiệp trong GRDP đang là giải pháp lâu dài giúp chuỗi liên kết đi xa.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai cho biết: "Các chủ thể sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại ăn ở kho tham gia hội thảo, triển lãm để qua đó kết nối sản phẩm của mình vào siêu thị, nhà phân phối".

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, ổn định về sản lượng, đồng đều về chất lượng sẽ là điểm cộng để nhà mua hàng ký kết các đơn hàng dài hạn. Các chuỗi liên kết giúp nhiều chủ thể canh tác theo một quy trình, sản xuất chuyên nghiệp nên đảm bảo yêu cầu nhà nhập khẩu, cũng giúp chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính.

Nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp khi giá lúa biến động Nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp khi giá lúa biến động

VTV.vn-Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 638 USD/tấn, còn gạo 25% tấm là 623 USD/tấn. Giá lúa bình quân thì đang ở ngưỡng từ 8- 9.000 đồng/kg.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước