Việc này không chỉ tạo hạ tầng tăng trưởng cho các địa phương có dự án đi qua, mà còn mở rộng không gian phát triển liên vùng cho đất nước. Các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Sớm đưa dự án vào vận hành ngày nào thì người dân, đất nước được hưởng lợi ngày đó".
Cứ những lúc rảnh rỗi, nông nhàn, ông Tuy (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) lại lên xem tuyến đường cao tốc mới. Tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên, ước mơ của người dân của tỉnh Khánh Hòa nay đã dần thành hiện thực.
Đồng hành cùng người dân và địa phương, chủ đầu tư dự án Nha Trang - Cam Lâm đã quyết tâm dồn sức để đưa dự án vào khai thác sớm hơn so với kế hoạch hơn 3 tháng.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có vận tốc thiết kế 120 km/giờ, được trang bị hệ thống giao thông thông minh gồm camera giám sát, hệ thống phát hiện xe, hệ thống biển báo thông tin thay đổi... (Ảnh: PLO)
"Để đưa dự án về đích sớm, chúng tôi không tính đến những lợi ích trước mắt, mà chúng tôi giữ cam kết với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng chính phủ. Thời gian được rút ngắn bao nhiêu thì người dân được hưởng lợi bấy nhiêu", ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, chia sẻ.
Với nhiều lợi thế về cảng biển, công nghiêp, dịch vụ, du lịch gắn với hành lang Đông - Tây của đất nước, cùng với tuyến cao tốc sắp được đưa vào khai thác, hiện các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ cũng đang tập trung cho khu vực phía Tây, nhằm hoàn thiện kết nối vùng từ nay đến năm 2026.
"Lúc đó có điều kiện để khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cảng biển với hiệu quả cao nhất", ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhận định.
"Ninh Thuận sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị, bất động sản. Đây là những chiến lược mà chúng tôi thấy rằng thu hút được các nhà đầu tư", ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay.
Cùng với 2 đoạn cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết được đưa vào khai thác trong ngày mai (19/5). Ngay trong năm sau, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đưa đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào lưu thông, hình thành trục đường bộ cao tốc với khoảng 400 km, kết nối liên hoàn từ Nha Trang về TP Hồ Chí Minh, tiếp tục mở rộng không gian, trục tăng trưởng mới cho khu vực phía Nam của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!