Trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch Bắc - Nam sẽ tạo ra động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, phát huy tiềm năng quốc gia.
Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển tới đâu, kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo tới đó. Các mục tiêu phát triển được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm "đi trước mở đường" và được xem là mũi nhọn đột phá, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Tính chung toàn hệ thống đường bộ cao tốc hiện đã hoàn thành 1.580 km. Đáng chú ý gần 3 năm qua, 416 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, bằng 1/3 số km thi công trong gần 20 năm trước đó. Kỳ vọng đặt rất lớn vào những siêu dự án phát triển hạ tầng giao thông như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) gồm 11 dự án thành phần. Đến thời điểm này, 4 đoạn tuyến gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành và thông xe.
5 dự án đang được xây dựng để để sớm thông xe trong năm nay gồm:
- Ngày 19/5 hoàn thành 2 dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km.
Một số phương tiện cơ giới được phân luồng đi trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: Báo Đầu tư)
- Ngày 2/9 tiếp tục thông xe đoạn Quốc Lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km.
- Ngày 31/12 hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Trong năm sau, theo kế hoạch, 2 dự án thành phần còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sẽ được đưa vào vận hành, với tổng chiều dài 128 km, qua đó hoàn thành hết 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Thiếu nguyên vật liệu, đất đắp nền cho các dự án
Cùng với 11 dự án của giai đoạn 1 được bắt đầu khởi công từ cuối năm 2020 dài 654 km, ngay đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình danh mục 12 dự án (thuộc giai đoạn 2) có tổng chiều dài 729 km và được Quốc hội thông qua.
Từ đầu năm nay, đồng loạt 12 gói thầu tại 12 dự án đã chính thức được khởi công. Tuy nhiên, nhận định khó khăn vẫn tiếp tục khi giai đoạn 2 sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn đất đắp nền đường và nguyên vật liệu như đã xảy ra ở giai đoạn 1.
Toàn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài 110 km, cần tới hơn 18 triệu khối cát để san lấp nền đường, nhưng cát về công trình chỉ được khoảng 2%. Vì vậy, nhiều đoạn tuyến đã được nhà thầu thi công đào, đắp bờ ao hàng chục km nhưng không có cát để đắp.
Để giải quyết bài toán này, chủ đầu tư đã thí điểm sử dụng cát biển vào thi công công trình. Cát biển được khai thác từ tỉnh Trà Vinh vận chuyển về công trình.
"Cát biển này khi thi công thử nghiệm có khác biệt rõ rệt. Trong quy trình phải lấy mẫu để thí nghiệm độ mặn cũng như hàm lượng muối có trong hỗn hợp cát. Nếu vượt quá thì phải rửa", ông Phan Đình Tuấn, Giám đốc điều hành công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, cho biết.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, hàng loạt dự án trọng điểm đang trong tình trạng khan hiếm nguồn nguyên vật liệu. Do chênh lệch cung cầu lớn, một số chủ mỏ khoáng sản cũng tăng giá bán hoặc "găm hàng" chờ giá đất lên cao.
"Các mỏ đất hiện nay trên địa bàn tỉnh được công bố đủ điều kiện khá ít, trữ lượng không đáp ứng được nhu cầu xây dựng thực tế. Thứ hai, nguồn đất đắp tại một số mỏ đang khai thác hoạt động, tuy nhiên trữ lượng khai thác đã hết", ông Phạm Quang Hòa, Trưởng phòng Điều hành dự án Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh, cho hay.
Còn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cần khoảng 12,5 triệu m3 đất đắp và hơn 2 triệu m3 cát xây dựng, nhưng hiện nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp và cát đang trong tình trạng khan hiếm.
"Hiện giá nguồn đất đắp do tỉnh công bố là 50.000 đồng/khối đất, nhưng giá chủ mỏ đưa ra là trên 65.000 đồng/khối. Do đó, trước mắt chúng tôi chỉ đạo nhà thầu vẫn mua nguồn đất đắp này để làm đường công vụ", ông Đào Việt Cường, Phó Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải, thông tin.
"Tỉnh cho đấu thầu các mỏ trong quy hoạch để khai thác ngay. 29 mỏ đang triển khai thì yêu cầu doanh nghiệp nâng công suất, rút ngắn thời gian, đáp ứng thị trường, đảm bảo cung cầu", ông Nguyễn Quốc Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, thông tin.
Quyết tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông
Nếu coi mạng lưới giao thông đường bộ ở Việt Nam là một cơ thể hoàn chỉnh thì cao tốc Bắc - Nam được đánh giá là "xương sống" của cơ thể đó. "Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam kết nối với các trục chính sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ và khép kín.
Nhiều địa phương đã bổ sung quy hoạch xây dựng các trọng điểm kinh tế song hành cùng tuyến đường cao tốc và coi đây là động lực để phát triển kinh tế. Sự trông chờ rất lớn từ những địa phương còn thiếu hạ tầng giao thông, trong khi nguồn lực cho phát triển lại cực kỳ lớn.
Hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 tiếp tục nối tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam hơn 800 km. Những tuyến đường bộ cao tốc mới đang mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho các địa phương, vùng kinh tế của đất nước.
"Chúng tôi đang rà soát lại các tuyến giao thông kết nối với đường cao tốc, gắn với quy hoạch khu công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở khu vực này", ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho hay.
"Tuyến cao tốc thông xe sẽ hình thành một khu hạ tầng chính kết nối với các tuyến quốc lộ hiện có qua nút giao cũng như những dự án Thanh Hóa đang đầu tư để kết nối, phát huy hiệu quả của cao tốc", ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thông tin.
Trong các cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có cách làm, tư duy, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
"Khó khăn đến đâu thì giải quyết đến đó, vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, dứt khoát không né tránh, không đùn đẩy, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, cân, đong, đo, đếm được và nhân dân được hưởng thụ thật", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Những tuyến đường bộ cao tốc đang tiếp tục được nối dài hơn. Bắt đầu từ cuối năm 2023 cho đến cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đưa 1.100 km vào khai thác. Với người dân, thời gian lưu thông được rút ngắn hơn, ước mơ của người dân và doanh nghiệp đã trở thành hiện thực.
Thi công cầu vượt Yên Mỹ - một hạng mục quan trọng tại dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Trong khi đó, từ năm 2000 đến năm 2020, cả nước xây dựng được khoảng 1.000 km. Như vậy, nhiệm vụ về xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trong giai đoạn này và tới đây là rất lớn. Một tuyến đường bộ cao tốc hiện đại chạy dọc dài đất nước đang dần được hình thành trước mắt.
Những cung đường cao tốc ven biển, xuyên rừng, băng qua những vùng đất cỗi cằn sỏi đá sẽ đem đến không gian phát triển mới cho các vùng đất nó đi qua. Thành quả và đích đến đó không phải tự dưng thành hiện thực, mà đánh đổi bằng "mồ hôi, xương máu", bằng tinh thần quyết tâm, "4 dám". Đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung"... đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ "Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!