Linh hoạt giải pháp thúc đẩy tín dụng

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 03/12/2023 11:08 GMT+7

VTV.vn - Những ngân hàng dùng hết 80% chỉ tiêu sẽ được nới hạn mức tín dụng. Trong chặng nước rút cuối năm, giải pháp nào để thúc đẩy cho vay, tăng sức cầu cho nền kinh tế?

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc cần có biện pháp điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế.

Trong công điện mới được ban hành đầu tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, cần khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm, ưu tiên thêm cho những đơn vị tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Đến cuối tháng 11, tín dụng mới tăng 8,21%, còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% của cả năm, dù các ngân hàng đã nỗ lực đưa ra các gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay thời gian qua.

Nhiều gói ưu đãi cho vay lãi suất thấp

"Trong 6 - 9 tháng vừa qua, Techcombank đã 4 - 5 lần hạ lãi suất cho vay. Tổng lãi suất cho vay Techcombank đã ưu đãi doanh nghiệp lên đến 2 - 3% tùy tình trạng của các doanh nghiệp", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết.

Linh hoạt giải pháp thúc đẩy tín dụng - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Từ nay tới hết năm, SHB đang triển khai các chương trình hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho khách hiện hữu, đặc biệt là ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh", ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp SHB, cho hay.

"Không chỉ ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5 - 6,8%, gói tín dụng ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh hơn 30.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cũng được chúng tôi triển khai từ nay tới hết quý I/2024", ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân ABBANK, thông tin.

Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 1,5 - 2%/năm so với cuối năm ngoái, nhưng tốc độ giảm này được nhận định là chưa tương xứng với mức giảm 3 - 4% của lãi suất huy động. Vì vậy, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới.

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn vay

Bên cạnh lãi suất, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khác. VTV Money đã ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.

"Có thể dễ với người dễ, nhưng lại khó với người khó. Những người khởi nghiệp cực kỳ khó tiếp cận với nguồn vốn. Doanh nghiệp không nợ xấu, có doanh thu cao thì vẫn tiếp cận được", bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Giám đốc Toyota Chi nhánh Vũng Tàu, nói.

"Ngân hàng Nhà nước cần sát sao hơn với từng chi nhánh ngân hàng tại các địa phương, cần hạ lãi suất xuống và giãn nợ cho các doanh nghiệp có đầu tư dài hạn", ông Phan Thế Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề xuất.

"Tài sản đảm bảo nhưng có cơ chế kèm theo chứng minh, trong giai đoạn này cũng mong ngân hàng có cơ chế linh động hơn", ông Phạm Khắc Học, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần H- Holding, cho biết.

"Khi mở ra khả năng cho vay trên cơ sở đánh giá tính khả thi của dự án mà được bên thứ ba thẩm định, điều này tốt cho ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dự án khả thi nhưng thiếu tài sản bảo đảm", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

Giải pháp thúc đẩy tín dụng

Nhiều cái khó khiến doanh nghiệp và ngân hàng chưa thể gặp nhau. Ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, tín dụng tăng chậm không phải với tất cả ngân hàng, có ngân hàng tín dụng mới tăng 3 - 4%, nhưng cũng có một vài ngân hàng nhanh chân hơn, tăng 15 - 16%, gấp đôi so với mức bình quân của hệ thống. Những ngân hàng đi trước này có chiến lược thế nào để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh khó khăn chung?

Ước tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng ACB đạt khoảng 11% và dự kiến cả năm sẽ tăng trên 14%. Ưu tiên cho vay là những lĩnh vực liên quan tới đầu tư công, xuất nhập khẩu và thương mại, tiêu dùng.

"Chìa khóa cốt lõi để tăng trưởng nhanh ở những ngành này đó là chúng tôi chấp nhận những hình thức thế chấp khác ngoài bất động sản. Thí dụ như chúng tôi tăng cường cho vay tín chấp, ngoài ra chúng tôi cũng chấp nhận những hình thức bảo lãnh khác như liên quan đến hợp đồng thi công, những hợp đồng mua bán hàng và những cái theo dòng tiền. Chính việc chúng tôi đa dạng như vậy tăng sức hút với nhu cầu vốn", ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, chia sẻ.

Linh hoạt giải pháp thúc đẩy tín dụng - Ảnh 2.

Đến cuối tháng 11, tín dụng mới tăng 8,21%, còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14% của cả năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Hết quý III, ngân hàng Techcombank đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 11%, nằm trong nhóm ít nhà băng có tốc độ tăng tín dụng cao nhất hệ thống. Ngân hàng đã chủ động đa dạng hóa cách làm tín dụng, thiết kế những sản phẩm tín dụng theo chuỗi để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

"Chúng tôi làm tín dụng dựa trên sự am hiểu sâu về đặc thù của từng ngành. Do đó các giải pháp tín dụng mà Techcombank đưa ra cũng may đo cho từng ngành để đảm bảo cấu trúc tín dụng hay điều kiện mình đưa ra là phù hợp với khách hàng, không có chuyện đưa ra các điều kiện không phù hợp với tính chất ngành kinh doanh đó, dẫn đến là khách hàng khó tiếp cận tín dụng", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho hay.

"Dịp cuối năm, nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, đi lại, du lịch và các hoạt động kinh tế của dịp Tết cổ truyền sẽ tăng trưởng. Việc tăng trưởng này sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, nhưng để tăng trưởng tín dụng tốt đòi hỏi phải kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Điều hành tín dụng cũng giống như việc mở van chiếc vòi nước. Nếu mở quá nhỏ, nước chảy nhỏ giọt, thì có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, nhưng nếu mở quá to và nước chảy ồ ạt có thể dẫn đến việc vượt quá sức chứa, nước tràn bờ. Do đó điều hành tín dụng đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất là mở van cho hài hòa, phù hợp; thứ hai là cần nâng cao sức chứa, giống như mở rộng cầu tín dụng của nền kinh tế.

Tăng tiếp cận tín dụng để phát triển Tăng tiếp cận tín dụng để phát triển

VTV.vn - Tín dụng tính đến cuối tháng 11 đã có sự tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn đầu năm và đạt hơn 8,3%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước