Cuối tuần qua có thể nói thị trường bất động sản Hà Nội một lần nữa lại dồn hết sự chú ý vào một phiên đấu giá đất, đó là phiến đấu giá 27 thửa đất ở tại ba phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội quận Hà Đông, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 18km. Phiên đấu giá đã diễn ra liên tục trong 14 tiếng từ sáng đến 23h đêm, nhiều người đã phải chuẩn bị trước đồ ăn, nước uống để sẵn sàng đấu giá kéo dài và kết quả cuối cùng lô trúng cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m2. Đây có thể nói là kỷ lục mới về giá trúng đấu giá tại một quận, huyện ở khu vực ngoại thành của Hà Nội.
Giá trúng đấu giá thấp nhất tại phiên vừa qua là gần 132,8 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, giá khởi điểm của cả phiên đấu giá từ 22,8 - 32,2 triệu đồng/m2, tương đương khoản đặt cọc từ hơn 200 triệu – 400 triệu đồng/thửa. Mức giá này được đánh giá khá cao nếu so với các phiên đấu giá trước tại huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Hoài Đức, Hà Nội với giá khởi điểm rất thấp, chỉ từ 3,8 - 8 triệu đồng/m2.
Ghi nhận tại phiên đấu giá cuối tuần vừa qua cho thấy, sau khi kết thúc 7 vòng của phiên đấu giá, nhiều người đã bỏ về vì cho rằng giá quá cao. Chỉ một số người kiên trì tới vòng cuối cùng.
"Có thể là một người nào đó họ rất là thích lô này và họ có thể lấy bằng được, chứ còn nếu giá này thì tôi thấy là nó hơi đặc biệt một chút đấy, nó cũng hơi cao so với thị trường", anh Lê Đình Tùng, người tham gia đấu giá chia sẻ.
Nhiều người dân sinh sống tại khu đất đấu giá cho biết, từ đầu năm tới nay giá đất tại Hà Nội nói chung và tại quận Hà Đông nói riêng đã tăng mạnh. Đó là một trong những nguyên nhân kéo theo giá đấu giá vừa qua tăng theo.
"Đợt đầu năm thì ở mặt đường giá chỉ tầm khoảng 120 triệu/m2, đến tháng 6, tháng 7 nó lên tới 160 – 180 triệu/m2, giao động từ lô gốc đến lô bình thường", anh Nguyễn Duy Sỹ, quận Hà Đông, TP Hà Nội chia sẻ.
Liên tục lập đỉnh mới tại các phiên đấu giá đất ở các quận, huyện ngoại thành TP Hà Nội sẽ tác động làm tăng giá nhà ở. Ảnh: TTXVN
Đại diện quận Hà Đông khẳng định, kết quả trúng đấu giá vừa qua là bình thường. Lô trúng 262 triệu đồng/m2 chỉ là cá biệt, là mức giá trúng cao nhất, các lô đất còn lại thì đều ở mức thấp hơn.
Bà Lê Thị Kim Oanh – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hà Đông, TP Hà Nội cho biết: "Thửa đất trúng đấu giá có giá trúng 262 triệu đồng/m2 là thửa đất có hai mặt đường, tiếp giáp với đường 25m và đường 11,5m. Đây là thửa góc thì giá trúng đấu giá của từ đất này này hoàn toàn phù hợp với thực tế. Người trúng đấu giá vừa rồi cũng là người dân trên địa bàn của phường Phú Lương và vì vậy, nhận định về việc bỏ cọc thì tôi nghĩ rằng là khả năng đấy sẽ khó có thể xảy ra".
Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, giá đấu giá ở các huyện ngoại thành liên tục lập kỷ lục cũng là một trong những lý do khiến giá nhà đất tại Hà Nội liên tục bị đẩy lên.
Ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Một số các cái dự án mà thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có cái giá trúng đấu giá cao hơn rất nhiều so với cả giá khởi điểm hoặc là mặt bằng bằng giá chung thì sau đó thì cũng có tác động làm tăng giá nhà ở, giá bất động sản của khu vực xung quanh".
Dù có những nhận định khác nhau nhưng nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng, cả giá trúng đấu giá và giá đất thời gian gần đây đều tăng nhanh, gây nhiều khó khăn cho người mua nhà, mua đất với nhu cầu ở thật.
Cách đây khoảng một tháng, trước thực trạng giá trúng đấu giá đất tại một số huyện ở ngoại thành Hà Nội liên tục tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 82 gửi Bộ trưởng các Bộ liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trực tiếp làm việc thanh, kiểm tra tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức. Với cuộc đấu giá tại quận Hà Đông cuối tuần vừa qua thì người trúng đấu giá có 3 tháng để nộp tiền và sau đó là thời gian hoàn thiện thủ tục để được cấp sổ đỏ. Phải tới lúc đó thì chúng ta mới có thể biết được là mức giá trúng hơn hai trăm triệu đồng một mét vuông có được thị trường chấp nhận thật hay là không, bởi trước đó tại huyện Thanh Oai của Hà Nội thì 80% lô đất trúng đấu giá bao gồm cả người trúng cao nhất với mức là hơn một trăm triệu đồng một mét vuông đã bỏ cọc. Hành vi bỏ cọc đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường. Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được đưa ra để hạn chế tình trạng này.
Đề xuất hạn chế bỏ cọc đấu giá đất
Nhiều đề xuất được đưa ra để hạn chế việc bỏ cọc trong đấu giá đất. Ảnh Phạm Chiểu.
Tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, nơi đã từng là điểm nóng khi nhiều lô đất trúng đấu giá bị bỏ cọc. Đại diện huyện cho biết, qua việc tìm hiểu từ các văn phòng công chứng xung quanh và căn cứ từ thông tin nộp thuế, có tới 10 trong tổng số 13 lô đất đấu giá nộp tiền tại đây đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng, có nghĩa là đất trúng đấu giá chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu cơ mua đi bán lại. Vì vậy, các quy định liên quan cần phải thắt chặt hơn.
Ông Lê Hồng Phúc – Trưởng phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, TP Hà Nội cho hay: "Áp dụng cái công cụ thể để cho người trúng đấu giá. Thứ nhất là sử dụng cái giá chuyển nhượng là giá trúng đấu giá. Thứ hai là hạn chế cái thời gian chuyển nhượng, ví dụ như là các cái ô đất trúng đấu giá thì tối thiểu ít nhất từ 2 đến 3 năm mới được giao dịch để đảm bảo cái việc là khách hàng trúng đấu giá là những khách hàng có nhu cầu sử dụng đất chứ không phải là những khách hàng có nhu cầu đầu cơ, tích trữ".
"Cái thời điểm nào được chuyển nhượng và chúng ta quản lý phải chặt chẽ, phải nộp hết tiền và phải có ra được sổ đỏ, hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ của Nhà nước thì khi đó mới được chuyển nhượng thì cái việc đó là cái việc nó sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng là đấu giá trúng được 5-7 lô, họ chỉ cần bán được 2-3 lô là họ hoàn vốn rồi", ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam cho hay.
Ghi nhận từ phiên đấu giá tại quận Hà Đông vào cuối tuần qua cũng cho thấy, ngay khi thửa nào có kết quả trúng đấu giá, bên ngoài khu vực đấu, nhiều lô đất cũng đã được rao bán ngay với hình thức ủy quyền công chứng. Tất nhiên, đi kèm với đó là các khoản tiền chênh lên tới 200 – 300 triệu đồng/lô.
Vừa qua, một số huyện cũng đã kiến nghị lên UBND TP Hà Nội về việc sớm xây dựng bảng giá đất mới sát với giá thị trường hơn vì bảng giá đất là cơ sở quan trọng để xây dựng giá khởi điểm, nếu giá khởi điểm được đẩy lên cao sẽ hạn chế tâm lý đua nhau đi đấu giá thôi giá đất xung quanh tăng nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!