Người tiêu dùng hoang mang không biết tại sao lại có những khoản phí từ trên trời rơi xuống như vậy. Đây là một lỗ hổng trong quản lý của các nhà mạng điện thoại tại Vương quốc Anh khiến cho không ít khách hàng có khả năng trở thành nạn nhân của lừa đảo qua tin nhắn.
Những nhà mạng lớn nhất tại Anh với hàng triệu khách hàng sử dụng như O2, Vodaphone, EE hay Three đang vận thành theo phương thức thanh toán trực tiếp qua tài khoản điện thoại. Họ không cần nhập thông tin thẻ ngân hàng, chỉ cần một lần nhấn nút, người dùng sẽ có thể mua các loại hàng hóa, sản phẩm và tiền sẽ trừ luôn vào hóa đơn tiền điện thoại hàng tháng.
Theo tờ The Independent, đây là một lỗ hổng lớn trong khâu quản lý của cơ quan chức năng, có thể dễ dàng bị lợi dụng bởi các bên thứ ba, sau khi có được số điện thoại khách hàng từ các nhà mạng. Nhiều người đã phải nhận các hóa đơn lên tới hàng trăm Bảng cho những dịch vụ họ chưa bao giờ sử dụng hay từ những công ty chưa bao giờ nghe tên.
Báo này lấy ví dụ cụ thể về anh Steve White, nạn nhân của hình thức lừa đảo tương đối phổ biến này. Anh White nhận được tin nhắn từ nhà mạng Vodaphone rằng mình đã đăng ký sử dụng dịch vụ hỗ trợ luyện tập thể dục có tên Bodyin8. Theo hướng dẫn, anh này nhắn tin cú pháp "stop" tới nhà mạng để ngừng dịch vụ.
Tuy nhiên, anh tiếp tục được cho biết rằng mình đã bị trừ một khoản phí không biết giá trị bao nhiêu cho tin nhắn này. Nghĩ rằng đây là lừa đảo thông thường và không đả động đến nữa, đến khi nhận được hóa đơn từ nhà mạng, anh White mới tá hỏa khi biết đã bị thanh toán một khoản phí 36 Bảng, tương đương hơn 1 triệu VND. Tìm cách liên lạc với công ty cung cấp dịch vụ Bodyin8, sau khi bị từ chối nhiều lần, câu trả lời cuối cùng Steve White nhận được là không thể lấy lại số tiền, do đã quá hạn 14 ngày tính từ thời điểm thanh toán.
Tờ Financial Times đăng tải một thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, tại Anh có tới 35.000 trường hợp lừa đảo tương tự, với tổng số tiền bị móc từ túi người tiêu dùng lên tới 145 triệu Bảng. Trung bình, mỗi cá nhân ước tính mất 11.400 Bảng cho lừa đảo qua tin nhắn điện thoại.
Trang web về tư vấn tài chính Which cũng đưa ra số liệu nửa cuối năm 2018, rằng cứ 3 người lại có 1 người nhận được tin nhắn lừa đảo. 16% số này cho biết tài khoản ngân hàng của mình đã bị hack. Mặc dù vậy, chưa đến một nửa nạn nhân của hình thức lừa đảo này báo cáo lại với cơ quan chức năng hoặc nhà mạng.
Nhiều doanh nghiệp thuộc bên thứ 3 có dấu hiệu lừa đảo, dù được liệt kê trong danh sách của cơ quan chức năng nhưng lại chưa bao giờ thực sự bị sờ đến. Việc can thiệp của các đơn vị có trách nhiệm được đánh giá là vô cùng quan trọng, trước hết để ngăn chặn tình trạng lừa đảo tiếp diễn và leo thang theo thời gian.
Cũng trong bài viết trên Financial Times, 4 nhà mạng lớn nhất tại Anh đã có những động thái hợp tác nhất định để từng bước dập tắt tình trạng trục lợi bất chính qua tin nhắn điện thoại của các công ty bên thứ 3. Chiến dịch này sẽ được thực hiện từ đầu năm nay 2019, với mục tiêu chính nhắm vào các tin nhắn giả danh ngân hàng để yêu cầu người dùng thanh toán. Các ngân hàng sẽ đăng ký đầu số tin nhắn với nhà mạng và số điện thoại độc nhất này sẽ được công bố rộng rãi cho khách hàng để tránh tình trạng lừa đảo.
Có ý kiến cho rằng, để đối phó với lừa đảo dạng này, cần có một thủ tục trung gian trong thanh toán qua tin nhắn di động như khách hàng phải nhập đúng mã PIN mới cho thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, nhìn chung, hiệu quả nhất có lẽ cần có cả sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, các nhà mạng và các bên liên quan, cùng việc phổ biến và nâng cao nhận thức người dùng điện thoại di động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!